Sửa Luật Kinh doanh bất động sản cần xóa bỏ được tư duy 'không buôn gì lãi bằng buôn đất'
ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng, chính sách của Nhà nước đối với thị trường BĐS rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được. Đại biểu hy vọng, sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS cần xóa bỏ được tư duy 'không buôn gì lãi bằng buôn đất'.
Chiều 23/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Phát biểu tại nghị trường, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị, cần làm rõ nội hàm hành vi "cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản (BĐS)". Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm.
Đại biểu đề nghị, bổ sung vào khoản 3 Điều 4 với các hành vi "gian lận, lừa dối, tạo nhu cầu thị trường ảo trong kinh doanh BĐS"; bổ sung khoản 5 Điều này về thực hiện các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giao dịch. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, việc bổ sung này cũng tương thích tại các Điều 19, 20, 21, 22 của dự thảo Luật.
ĐBQH Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu lên thực tế, thị trường BĐS lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro. Nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường BĐS rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này. Đại biểu mong muốn, việc sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS lần này cần xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất".
Bên cạnh đó, ĐBQH Trần Văn Khải đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo luật, xây dựng dày dặn hơn, để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra. Để đảm bảo chính sách của Nhà nước cần có 4 yếu tố là: tính ổn định của chính sách; tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ; phải điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu); phải quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng "nóng lạnh" của thị trường.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ tin tưởng, nếu dự án luật này được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển thị trường và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS.
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà chỉ rõ, về điều kiện để tổ chức được kinh doanh BĐS hiện không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự vừa không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều này dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh BĐS như tổ chức đang bị cấm kinh doanh hoặc đang bị cấm huy động vốn và tổ chức đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh BĐS là: "Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn".
Còn ĐBQH Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đóng góp về giao dịch BĐS. Trong đó, Điều 57 có quy định: "Các giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS". Đồng thời, tại Điều 60, một trong các quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động của sàn giao dịch BĐS là có "cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu".
Đại biểu bày tỏ đồng tình với các lý do giải trình tại Báo cáo số 127 là đưa quy định này vào trong Dự thảo Luật, trong đó có lý do là nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch BĐS, nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân.