Sửa luật Ngân sách Nhà nước: Tăng quyền tự chủ cho các địa phương

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) hướng tới việc đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cụ thể là tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động.

Hôm nay 11/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Luật Ngân sách nhà nước hiện nay được ban hành từ năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Địa phương tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, quan điểm xây dựng dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được cơ quan soạn thảo xác định rất rõ. Việc sửa đổi toàn diện Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, việc sửa Luật thúc đẩy sự phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, nâng cao sự tự chủ của các địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”. Đồng thời, kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính NSNN của Quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới và thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hướng tới mục tiêu tăng cường xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả", ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu đánh giá Việt Nam đang đứng trước thời khắc rất quan trọng và việc sửa đổi Luật NSNN là một bước đi quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh vào giai đoạn phát triển mới. Để đạt được mục tiêu mong muốn khi sửa đổi Luật, đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược cho tương lai bởi nền kinh tế hiện đại đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý vững chắc đáp ứng yêu cầu của các hoạt động kinh tế.

Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu

Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu

Theo bà Kristina Buende, ở mọi quốc gia, Luật NSNN được coi là đạo luật cơ bản để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, thu hút FDI. Với những kinh nghiệm phát triển của mình, cả từ những bài học thành công và thất bại, EU sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong dự án quan trọng này.

"Việc hoàn chỉnh Luật NSNN sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, đặt nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội công bằng văn minh. Những ý kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ đem lại giá trị cho việc hoàn thiện Luật", bà Krisina Buende cho biết.

Phân cấp, phân quyền mạnh trong chấp hành ngân sách

Theo ông Vũ Đức Hội, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) cần tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm như: Rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN, tăng thẩm quyền cho UBND các cấp địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.

Ông Vũ Đức Hội, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính)

Ông Vũ Đức Hội, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính)

“Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng: Bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách; đồng thời, mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau)... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh”, ông Vũ Đức Hội cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách cũng được đặc biệt quan tâm như: Cắt giảm các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 3 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách; rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.

Thảo luận tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng, Luật NSNN là luật khung ảnh hưởng đến nhiều luật khác, do đó, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi tổ chức bộ máy như hiện nay. Các đại biểu đánh giá cao nội dung được nêu tại dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo đã được Bộ Tài chính tích hợp đầy đủ các căn cứ pháp lý, thực tiễn cũng như cập nhật những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sua-luat-ngan-sach-nha-nuoc-tang-quyen-tu-chu-cho-cac-dia-phuong-post1191268.vov