Sửa Luật Sĩ quan để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội

Chiều 28/10, Quốc hội nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Luật Sĩ quan).

Tờ trình nêu rõ, Luật Sĩ quan năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014 và năm 2019 (Luật Dân quân tự vệ sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 Luật Sĩ quan). Quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc bất cập.

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang báo cáo tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang báo cáo tại phiên họp.

Ngoài ra, từ khi Luật Sĩ quan năm 1999 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4/2000), đã có nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Khám chữa bệnh năm 2023, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024... có quy định liên quan hoặc tác động đến đối tượng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của Quân đội. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí việc bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương. Đồng thời, cho rằng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó, nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn, chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ là cấp phó của cấp trưởng và tương đương.

 Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cơ bản nhất trí việc sửa đổi khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù (lực lượng vũ trang). Đồng thời, xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.

 Các Đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 28/10.

Các Đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 28/10.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Cũng trong chiều nay, thảo luận tại tổ về dự án Luật này, các Đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan; đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc xây dựng Luật cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội. Các Đại biểu Quốc hội cũng đồng thuận với việc xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo trình tự, thủ tục rút gọn – xem xét thông qua tại một kỳ họp.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sua-luat-si-quan-de-phu-hop-voi-he-thong-phap-luat-hien-hanh-va-tinh-chat-nhiem-vu-cua-quan-doi-post318880.html