Sửa Luật Thủ đô: Khuyến khích thuê nhà ở xã hội, 'lo' chuyển giao bệnh viện
Theo dự kiến, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).
Cần có chính sách hỗ trợ thuê nhà xã hội và cân nhắc quy định đưa bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý là hai trong nhiều vấn đề được bàn thảo tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hội thảo do Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức sáng 1/8.
Dành quỹ đất và cơ chế thúc đẩy nhà ở xã hội
Theo dự kiến, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).
Việc sửa luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đặc thù, vượt trội, phân quyền mạnh mẽ để Thủ đô phát triển.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội được quan tâm ở lần sửa đổi này.
Tại Hội thảo, Phó giáo sư Phạm Trọng Thuật, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề nghị dự thảo bổ sung chính sách đặc thù cho người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội.
Ông Thuật cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ thuê nhà xã hội, quy định cụ thể về diện tích căn hộ tối thiểu, công trình phúc lợi đi kèm. Theo ông, dự thảo chỉ nên khuyến khích cho thuê nhà ở xã hội, thay vì bán đứt như hiện nay. Bởi vì, trên thực tế, người mua nhà xã hội thời gian qua lại không phải là người thực sự thu nhập thấp vì họ vẫn có tiền để mua nhà. Trong khi đa phần người lao động phải đi thuê.
Để tránh tiêu cực, bất công trong cung cấp nhà ở xã hội, ông Thuật kiến nghị giao thẩm quyền đầu tư dự án cho UBND thành phố hoặc Sở Xây dựng Hà Nội. Các khu nhà ở xã hội cho thuê phải được bảo đảm rằng người thuê được ở lâu dài và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cán bộ, nhân viên của mình thuê tại địa điểm đó.
Hà Nội cần tập trung thúc đẩy dự án phát triển nhà ở đang bị ách tắc; dành quỹ đất và cơ chế thúc đẩy nhà ở xã hội; đẩy mạnh triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - người dân - thành phố, Phó giáo sư Lê Đức Tình, Trưởng khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý đất đai, Trường Đại học Mỏ - Địa chất nêu quan điểm.
Phó giáo sư Hoàng Tùng, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội kiến nghị quy định cụ thể hơn tiêu chí đối với nhà xã hội. Theo đó, dự thảo phải có chính sách phát triển khu nhà xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng. Không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn có khu nhà ở xã hội tập trung cho trí thức trẻ, ông Tùng đề xuất.
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng hệ thống tiêu chí nhà ở xã hội theo từng quận, huyện để có thể kiểm soát quy mô, tốc độ thực hiện các dự án; số lượng căn hộ và diện tích/người; mức độ đáp ứng về dịch vụ hạ tầng xã hội, văn hóa; chuyển đổi số trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý các dự án nhà ở xã hội.
Có nên chuyển giao bệnh viện?
Liên quan đến quy định về pháy triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, một phương án được tính đến là chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về Thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học. Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.
Quy định này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cần đưa ra khỏi dự thảo. Bởi, việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng dẫn Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017, quy định chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành cơ quan nhà nước Trung ương về địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện thuộc các trường đại học.
Như vậy, các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều là các cơ sở chuyên khoa, đầu ngành, đương nhiên thuộc diện phải giữ lại theo Nghị quyết 19, ông Thuấn phát biểu.
Thứ trưởng Thuấn phân tích, các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyên giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện Trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.
Nêu kinh nghiệm của một số nước khác, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc chuyển giao các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về Hà Nội hoặc các trường đại học y quản lý là phù hợp với thế giới.
Tuy nhiên, ông Văn cho rằng, cần phải đặt các Trường Đại học Y trên địa bàn là ưu tiên số 1, vì các bệnh viện thực hành này của các Trường Đại học Y sẽ là nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới cho không chỉ Hà Nội, mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
Ông Văn cũng góp ý, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, Trường đại học Y Dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi lẽ, chỉ riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này.
Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội. Các chính sách này tạo không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước, mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí, ông Văn nêu quan điểm.