Sửa Luật Thủ đô: Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực đầu tư phát triển

Làm thế nào để Hà Nội nâng cao năng lực tài chính ngân sách và huy động được nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô?

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thuế quận Thanh Xuân

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thuế quận Thanh Xuân

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành chương IV để đề cập về vấn đề tài chính ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô. Báo Kinh tế & Đô thị trích ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung này.

PGS.TS Bùi Hữu Đức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại:

Tạo cơ chế cho Thủ đô có nguồn lực đầu tư, phát triển

Khoản 7, Điều 37 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

Phương án 2: Không quy định nội dung này tại dự thảo Luật Thủ đô mà sẽ nghiên cứu quy định tại Luật Ngân sách nhà nước khi Luật này sửa đổi, bổ sung.

Theo quan điểm của chúng tôi, phương án 1 phù hợp hơn cả nhằm tạo cơ chế rõ ràng, thuận lợi cho Thủ đô có nguồn lực đầu tư, phát triển. Đồng thời, về huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô, chúng ta cần tiếp cận theo hướng, Luật Ngân sách Nhà nước là luật chung, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các địa phương.

Luật Thủ đô là luật riêng, có thể quy định những nội dung mang tính đặc thù. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc công nhận tính đặc thù, ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự khác biệt liên quan đến huy động ngân sách của chính quyền thành phố Hà Nội. Việc quy định theo hướng này sẽ đảm bảo nội dung về huy động nguồn lực tài chính trong Luật Thủ đô, vừa phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

TS Trần Vũ Hải (Trường Đại học Luật Hà Nội):

Nêu sự cần thiết của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được đề xuất thành lập gồm 3 quỹ, đó là Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội và Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô.

Ban soạn thảo cần thuyết minh được sự cần thiết của quỹ được thành lập, trong đó nhấn mạnh đến tính đặc thù cần thiết cho Thủ đô mà các địa phương khác không có hoặc không thể có. Thuyết minh được việc thành lập quỹ là phù hợp với nguyên tắc, quy định của pháp luật có liên quan, mà cụ thể ở đây là Luật Ngân sách nhà nước.

PGS-TS Phạm Thị Giang Thu (Trường Đại học Luật Hà Nội):

Xác định vị thế trong lộ trình phát triển

Với vị trí là trung tâm, Hà Nội nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Hà Nội cần xác định vị thế của mình trong lộ trình phát triển, bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước. Cùng với đó, cần xem xét về bối cảnh quốc tế cũng như những yêu cầu mới đặt ra.

Về việc cần xác định yêu cầu minh bạch, cơ chế giám sát trong hoạt động của chính quyền và UBND các cấp của Thủ đô - đề xuất này xuất phát từ việc xác định nguồn lực tài chính công và ngân sách là nguồn có sự đóng góp của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thông qua quan hệ thuế, cần nhận định nguyên tắc minh bạch theo Luật Ngân sách Nhà nước. Với giả định nguồn lực tài chính tư được hình thành và sử dụng trong Luật Thủ đô thì yêu cầu về minh bạch và giám sát trong quá trình thực hiện là hoàn toàn cần thiết và tạo ra lòng tin cho các chủ thể đối với các nguồn tài chính của họ được sử dụng hữu ích.

TS Nguyễn Thị Yến (Trường Đại học Luật Hà Nội):

Hoàn thiện quy định về nhà đầu tư chiến lược

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô. Các quy định về nhà đầu tư chiến lược chỉ nằm trong một điều của dự thảo nhưng khá chi tiết, từ quy định về danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; các ưu đãi mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Các quy định này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên có phần chưa đầy đủ, chưa rõ ràng cần được hoàn thiện hơn trong Dự thảo Luật.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-luat-thu-do-nang-cao-hieu-qua-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-phat-trien.html