Sửa Luật Thủ đô: Tạo sự chủ động, sáng tạo cho Hà Nội

Tại cuộc họp Tổ biên tập dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Ngày 11/7, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Tổ biên tập dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ biên tập và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn - Phó Tổ trưởng Tổ biên tập đồng chủ trì cuộc họp.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển Thủ đô

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Thủ đô và kết quả làm việc của Tổ thường trực Tổ biên tập chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sau cuộc họp của Tổ biên tập ngày 23/6/2023.

Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất được thiết kế 6 chương với 59 điều. Trong đó, chương IV về chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô tăng 6 điều so với dự thảo trước.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến thông tin về các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến thông tin về các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô.

Đáng lưu ý, liên quan đến quy định bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô tương ứng với toàn bộ số tăng thu ngân sách: Dự thảo đã chỉnh lý trên cơ sở nghiên cứu cách quy định về vấn đề này tại Nghị quyết 98 của thành phố Hồ Chí Minh mới được thông qua để đảm bảo theo hướng Thủ đô được thưởng khi thu ngân sách trung ương trên địa bàn vượt chỉ tiêu, không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Cùng với đó, Dự thảo bổ sung quy định UBND thành phố xây dựng, trình HĐND thành phố thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

Liên quan vấn đề quỹ, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng ghép Quỹ Bảo vệ và phát triển văn hóa và Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử thành Quỹ Bảo vệ, phát triển văn hóa và tái thiết khu nội đô lịch sử để giảm bớt số lượng quỹ nhưng vẫn có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này.

Trên cơ sở đó, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Cùng đó, tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Tổ chức chính quyền tại Thủ đô; quy định bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô tương ứng với toàn bộ số tăng thu ngân sách; về quy định mức dư nợ vay của thành phố; về bán tài sản của cơ quan Trung ương trên địa bàn; về thẩm quyền đầu tư; ưu đãi đầu tư; về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về giáo dục - đào tạo; về khoa học công nghệ; về an sinh xã hội; về để lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; về ưu đãi thuế; về hỗ trợ 100% phí bảo hiểm nông nghiệp; về thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô

Kết luận cuộc họp Tổ biên tập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, việc soạn thảo dự án Luật cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo Luật là khác với pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa có quy định, nhưng phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuyệt đối tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013. Quá trình xây dựng dự án cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

“Chúng ta không nên quy định quá dàn trải các cơ chế, chính sách bởi dự án Luật này không phải là thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô. Vì vậy cần nghiên cứu để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội ngay trong Luật để có thể áp dụng được ngay, không cần chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Cùng đó, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012; rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng lưu ý.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu tiến hành rà soát song song với nội dung các dự thảo Luật đang sửa đổi, bổ sung để thiết kế các quy định phù hợp; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội; đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Tổ thường trực khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật vào ngày 13/7/2023 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được thiết kế 6 Chương với 59 điều. Cụ thể: Chương I. Những quy định chung (gồm 8 điều: từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Tổ chức chính quyền tại Thủ đô gồm 11 điều: từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô (gồm 16 điều: từ Điều 20 đến Điều 35); Chương IV. Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô (gồm 11 điều: từ Điều 36 đến Điều 46), Chương này tăng 6 điều so với dự thảo trước do tách một số nội dung từ Điều 39 thành các điều độc lập; Chương V. Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô (gồm 6 điều: từ Điều 47 đến Điều 52); Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 7 điều, Điều 53 đến Điều 59).

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-luat-thu-do-tao-su-chu-dong-sang-tao-cho-ha-noi.html