Huyện miền núi ở Quảng Ninh đổi thay nhờ những chính sách dân tộc

Diện mạo khu vực miền núi, đồng bào DTTS ở Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được nâng cao nhờ những chính sách dân tộc.

Đồng bào DTTS xã Húc Động mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng cho năng suất cao.

Đồng bào DTTS xã Húc Động mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng cho năng suất cao.

Diện mạo thôn, bản ngày một khởi sắc

Huyện miền núi Bình Liêu hiện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 94,36% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 6 xã và 1 thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS.

Diện mạo của những thôn, bản từng rất khó khăn của Bình Liêu hiện nay đang ngày một khởi sắc. Sự đổi thay không chỉ đến từ những công trình điện, đường, trường, trạm khang trang, mà trong từng nếp nghĩ, cách làm của người dân.

Anh La A Nồng (người Sán Chỉ) là một trong những điển hình đảng viên, thanh niên làm kinh tế giỏi tại thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Từ năm 2010, khi nhận thấy tiềm năng phát triển của cây dong riềng và nghề làm miến, anh Nồng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất kém hiệu quả sang trồng dong riềng và vay vốn đầu tư máy móc sản xuất miến.

14 năm qua, với những chính sách hỗ trợ về vốn, cây giống, cũng như được tập huấn kỹ thuật trồng, sản xuất, xây dựng thương hiệu miến dong, anh Nồng đã vươn lên thoát nghèo và là Chủ nhiệm HTX Phát triển Đình Trung với sản phẩm miến dong đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Anh Nồng cho biết, những năm qua, các cấp, ngành quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, vay vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho bà con các dân tộc mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

“Gia đình tôi ngoài 3 tháng cuối năm tập trung sản xuất miến dong, còn trồng thêm hồi, quế, nhựa thông vào những khoảng thời gian khác trong năm. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng, đời sống ngày càng tốt lên, có điều kiện xây nhà ở mới, lo cho con cái học hành”, anh Nồng vui vẻ nói.

Năng động, cần cù, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngại thử nghiệm các mô hình sinh kế mới mang lại giá trị kinh tế cao, đó là tư duy tích cực đã giúp nhiều đồng bào DTTS tại Bình Liêu vươn lên thoát nghèo.

Đây là minh chứng cho những kết quả tích cực từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ về nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cũng như hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức.

Các chính sách thiết thực và hiệu quả

Bà Lài Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Húc Động cho biết, đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Húc Động với gần 100% đồng bào DTTS sinh sống, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi là rất thiết thực và hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy, tạo sinh kế lâu dài cho người dân.

Thời gian qua, địa phương luôn tận dụng nguồn lực, nguồn vốn từ các chính sách dân tộc để giúp bà con thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững nhất.

Ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, địa phương cũng phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để vận động, tuyên truyền và huy động sự vào cuộc tích cực của bà con.

Tỷ lệ đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương lớn rất cao. Nhận thức của bà con có nhiều đổi thay rõ rệt, nhiều hộ cũng chủ động tìm hướng đi phát triển kinh tế, không phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều này đã góp phần giúp xã về đích trong chương trình xây dựng NTM nâng cao.

Miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP.

Miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS được huyện Bình Liêu triển khai kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn 2019-2024, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã tích cực phát triển kinh tế theo định hướng gắn với các thế mạnh của địa phương như nông, lâm nghiệp, du lịch.

Nổi bật là thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có năng suất, giá trị kinh tế cao (ngô, dong riềng) với diện tích gần 300ha.

Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 31 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt xếp hạng từ 3 sao trở lên… Bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện được bảo tồn, phát huy, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để mảnh đất vùng biên viễn vươn mình, trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên đạt chuẩn NTM.

Bình Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huyen-mien-nui-o-quang-ninh-doi-thay-nho-nhung-chinh-sach-dan-toc-post688812.html