Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: vấn đề cấp bách

Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có nhiều quy định đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn, do đó cần cấp bách sửa luật để việc tăng lương cơ sở thực sự ý nghĩa và đảm bảo mục tiêu điều tiết các nguồn thu nhập trong xã hội một cách công bằng.

Đây là khẳng định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khi chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Nhiều quy định đã quá lỗi thời

Luật thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 đến nay đã được sửa đổi 3 lần, nhưng một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn. Ông nhìn nhận như thế nào về những bất cập của Luật thuế TNCN?

- Như chúng ta đã biết, thuế TNCN là thuế đánh vào những người có thu nhập cao, nhằm hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, điều tiết chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay những quy định về Luật thuế TNCN đã bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian dài, không còn phù hợp với thực tiễn.

Mặc dù chúng ta đã 3 lần sửa thuế, nhưng chỉ là sửa mức thuế, còn nội dung cơ bản thì gần như không sửa. Mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế là 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, nhưng còn nhiều khoản tiền chi khác phải chi không được tính đến, thành ra cào bằng. Bất cập hiện nay chính là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Một điểm bất cập nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần, nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Ngoài ra, mức thuế TNCN của Việt Nam với đỉnh 35%, nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thuộc diện cao. Cụ thể, Singapore chỉ đánh thuế đến 22%; Indonesia đánh thuế đến 25-27%; Malaysia là 27%... Với mức thuế suất đỉnh 35% là mức cao ngang bằng với những nước phát triển trên thế giới. Thêm nữa, việc chia thành 7 bậc thuế, vừa phức tạp, lại không tạo ra được khoảng cách phù hợp. Vì vậy, theo quan điểm của tôi cần phải nghiên cứu độ giãn cách phù hợp với mức thu nhập hiện nay; phù hợp với bối cảnh chung khi mà các loại thuế không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang có chiều hướng hạ dần.

Từ ngày 1/7/2024 chính thức tăng lương cơ sở 30%, tuy nhiên với những bất cập của Luật thuế TNCN nhiều người lo ngại việc tăng lương không còn ý nghĩa. Ông có cho rằng việc sửa Luật thuế TNCN đang là vấn đề cấp bách?

- Trước hết, có thể thấy đây là lần tăng lương cơ sở cao đến 30% trong nhiều lần tăng vừa rồi. Và người lao động rất trông chờ khi lương tăng lên, thu nhập cao hơn thì đời sống sẽ được nâng lên. Thế nhưng đồng thời, một loạt cá nhân trước đây thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, sau khi tăng thêm 30% sẽ lọt vào top phải đóng thuế TNCN. Như vậy vô hình chung việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa.

Trong khi, thuế phải có tác động khuyến khích hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Đặc biệt là phải làm thế nào để người đóng thuế cảm thấy tự hào với việc được đóng thuế. Do đó, việc phải sửa đổi Luật thuế TNCN đã “nóng” mấy năm nay nay và cần được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội càng sớm càng tốt.

Việc sửa đổi cần làm tổng thể từ việc xem xét lại các loại thuế đóng, mức đóng thuế, cho đến ngưỡng chịu thuế, rồi các bậc thuế, chúng ta cũng nên tính toán cho phù hợp.

Nhiều người lo ngại giá cả hàng hóa sẽ tăng sau tăng lương cơ sở.

Nhiều người lo ngại giá cả hàng hóa sẽ tăng sau tăng lương cơ sở.

Hài hòa lợi ích các bên

Việc sửa Luật thuế TNCN ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Theo ông, cần phải sửa đổi Luật thuế theo hướng nào để có thể hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan?

- Sửa luật là phải hướng tới mục tiêu khuyến khích tiêu dùng hơn là chỉ bỏ tiền vào túi hoặc là dùng đầu tư; kích thích tạo ra thu nhập. Thêm nữa, mức chịu thuế tác động ngay đến cơ quan quản lý. Chúng ta có được nguồn thu thỏa đáng, để dùng nó điều tiết, điều chỉnh cung cấp các dịch vụ xã hội cho những người thu nhập thấp. Theo tôi, việc xác định ngưỡng chịu thuế phải dựa vào mức sống trung bình tiên tiến, tức là không thể cộng người đóng thuế thấp và cao rồi chia ra mức đóng thuế. Vì như vậy sẽ xảy ra nhiều người thu nhập mức trung bình đã phải đóng thuế rồi.

Có thể tính đến mức chịu thuế theo vùng, miền để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, thuế là đảm bảo công bằng cho sự phát triển, kể cả những người sống ở vùng mức sống thấp, hay nơi mức sống cao thì cũng nên có sự điều tiết chung như nhau. Vì không nên “cản trở” những người sống ở vùng có mức sống thấp đó được chi tiêu cao hơn, thậm chí người ta còn muốn hướng đến được sống mức dịch vụ cao cấp hơn, để thúc đẩy yếu tố phát triển. Hơn nữa, để làm sao những người có thu nhập chưa phải đóng thuế sẽ vươn lên đạt được mức thu nhập đóng thuế và người ta thấy tự hào, thỏa mãn.

Do vậy, nếu có thể thay đổi được ngưỡng chịu thế theo vùng thì là một việc tốt. Theo đó, ngưỡng chịu thuế tại các TP lớn có thể nâng lên khoảng 16-18 triệu đồng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc khoảng 6-8 triệu đồng. Đối với bậc thuế nên rút xuống còn 5 bậc và giãn các bậc chịu thuế cao hơn.

Đối với những khoản thu nhập vãng lai, thì trong luật thuế đang quy định là 2 triệu đồng phải tính thuế 10%. Và như vậy là rõ ràng nếu mức như thế thì nó quá thấp so với thu nhập như hiện nay, không đáng phải tính thuế. Do đó, chúng ta cũng cần phải thay thế quy định thu nhập vãng lại.

Để tránh tình trạng Luật nhanh lỗi thời, theo ông cần thực hiện việc tính thuế như thế nào?

- Để đưa ra một giải pháp lâu dài và tránh tình trạng quy định về thuế TNCN trở nên lạc hậu, cần thực hiện một số biện pháp cải cách và điều chỉnh trong việc tính thuế. Thứ nhất, cần đánh giá lại cấu trúc thuế, xem xét lại cấu trúc thuế TNCN để đảm bảo tính công bằng và đồng đều. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi theo hướng đánh thuế đúng đối tượng, đúng bản chất thay vì dựa trên hình thức như hiện nay cũng như điều chỉnh các mức thuế và ngưỡng miễn thuế theo nhu cầu và điều kiện kinh tế hiện tại của đất nước .

Thứ hai, xác định lại các loại thu nhập và miễn thuế; cần xem xét lại các loại thu nhập được miễn thuế và tính thuế một cách công bằng và minh bạch. Việc này đảm bảo rằng mọi người đều chịu trách nhiệm với nghĩa vụ thuế của mình một cách công bằng .

Thứ ba, cần thiết lập các cơ chế đánh giá và điều chỉnh định kỳ về chính sách thuế để đảm bảo rằng chúng vẫn phản ánh được tình hình kinh tế và xã hội hiện tại của đất nước .

Cần thiết phải thực hiện các biện pháp cải cách và điều chỉnh liên tục dựa trên tình hình kinh tế và xã hội hiện tại .

Theo quan điểm của tôi không cần quy định ngưỡng CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức đóng thuế TNCN. Vì lạm phát 5% của năm nay khác với lạm phát 5% của năm sau, không đồng mẫu. Do vậy, nếu cộng với nhau là điều vô lý. Nên chúng ta có thể đặt ra 2 năm xem xét lại một lần.

Xin cảm ơn ông!

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-van-de-cap-bach.html