Sửa quy định về đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa
Chiều 11/3, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Thông tư 02/2024/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Rút ngắn thời gian thực tập và giữ hạng đăng kiểm viên
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Kiên (Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, Thông tư 02/2024 đã rút ngắn thời gian thực tập và giữ hạng của các đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa.
Cụ thể, đối với đăng kiểm viên hạng III, thay vì quy định có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tối thiểu là 24 tháng đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc 12 tháng đối với người có trình độ đại học trở lên như Thông tư 49/2019, Thông tư 02/2024 quy định thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 12 tháng.
Đối với đăng kiểm viên hạng II, là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III có tổng thời gian giữ hạng đủ 12 tháng thay vì 36 tháng như trước.
Tương tự, đăng kiểm viên hạng I là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II có thời gian giữ hạng đủ 24 tháng thay vì 36 tháng như quy định tại Thông tư 49.
Ngoài ra, Thông tư 02 cũng bỏ quy định về thời gian thực tập nghiệp vụ đối với đăng kiểm viên hạng II và hạng I, mà chỉ yêu cầu đủ khối lượng thực tập theo quy định để phù hợp với thực tế.
Đối với đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế, quy định mới cũng rút ngắn thời gian thực tập tối thiểu 6 tháng thay vì 12 tháng như trước đây.
Ngoài ra nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của các hạng đăng kiểm viên I, II, III cũng được thay đổi để phù hợp với công việc của đơn vị đăng kiểm hạng I, II, III được quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 (Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa).
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư 02/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều điều của Thông tư 49/2015/TT-BGTVT Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăngkiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phươngtiện thủy nội địa nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay theo phân cấp tại Thông tư 16/2023/TT-BGTVT để không bị động và đáp ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phươngtiện thủy nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, đăng kiểm viên hạng III sẽ thực hiện nhiệm vụ theo chuyên ngành đào tạo đối với phương tiện thủy nội địa có tổng dung tích dưới 500 GT, phương tiện thủy nội địa có tổng công suất máy chính dưới 300 sức ngựa, phương tiện thủy nội địa có sức chở dưới 50 người (trừ tàu cấp VR-SB, tàu nhiều thân, tàu chở container, tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, tàu dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm) phù hợp với đơn vị đăng kiểm hạng III.
Đăng kiểm viên hạng II thực hiện nhiệm vụ theo chuyên đào tạo đối với các loại phương tiện thủy nội địa (trừ tàu dầu có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên, tàu hàng cấp VR-SB có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên hoặc tàu khách cấp VR-SB có sức chở từ 100 người trở lên, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm) phù hợp với đơn vị đăng kiểm hạng II.
Đăng kiểm viên hạng I thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên ngành đào tạo đối với tất cả các loại phương tiện thủy nội địa phù hợp với đơn vị đăng kiểm hạng I.
Đăng kiểm viên tàu biển được đăng kiểm phương tiện thủy nội địa
Ông Vũ Anh, Phụ trách Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, điểm mới đáng lưu ý khác được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/2024 đó là mở rộng đối tượng được công nhân đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa trong trường hợp đặc biệt.
Cụ thể, đăng kiểm viên tàu biển đã được công nhận theo quy định của pháp luật và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên tàu biển hoặc đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được công nhận là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa với các hạng mục tương ứng với phụ lục của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên tàu biển thực hiện công tác kiểm tra tàu.
Trong đó, đăng kiểm viên tàu biển bậc cao được công nhận tương ứng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng I, đăng kiểm viên tàu biển được công nhận tương ứng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng II.
Thông tư cũng rút ngắn thời gian thực tập nghiệp vụ đối với những người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, vận hành tàu thủy, công trình biển và người có thời gian thực hiện nhiệm vụ thiết kế tàu thủy. Theo đó, người có thời gian thực hiện nhiệm vụ thiết kế tàu thủy tại các đơn vị thiết kế tàu thủy tối thiểu 2 năm sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa, có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng cũng sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa.
Ngoài ra, đăng kiểm viên tàu biển đã được công nhận thực hiện công tác thẩm định thiết kế tàu biển theo quy định của pháp luật và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên, sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa sẽ được công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa với nhiệm vụ, phạm vi thực hiện tương ứng.
Theo ông Vũ Anh, Thông tư 02/2024 cũng đơn giản hóa, làm rõ ràng hơn các thành phần thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận đăng kiểm viên (lần đầu, công nhận lại, công nhận nâng hạng); cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
"Với những quy định mới trên, sẽ góp phần khẩn trương bổ sung nhân lực đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa trong bối cảnh đang thiếu hụt nhân lực sau loạt các vụ án liên quan đến các chi cục đăng kiểm trên cả nước", phụ trách Phòng Tàu sông nhấn mạnh.