Sửa quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa, không để doanh nghiệp gian lận

Theo Bộ Tài chính, quy định về các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng còn thiếu cơ sở áp dụng dẫn tới khả năng doanh nghiệp có thể lợi dụng để gian lận.

Ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn.

Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đầy đủ đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, thống nhất, đồng bộ cho triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân; trong đó có Giải thưởng Chất lượng quốc gia từ cấp địa phương đến Trung ương.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là đối với: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Cùng với đó, việc triển khai các nguyên tắc quản lý chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa với thông lệ quốc tế còn chưa được triệt để. Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành chưa được rõ ràng đối với một số sản phẩm, hàng hóa dẫn đến phát sinh trong thực tế.

Việc tách biệt giữa hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động dịch vụ kỹ thuật - hoạt động đánh giá sự phù hợp chưa thực sự minh bạch, dẫn đến chồng chéo, vướng mắc và tạo rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, không tận dụng được tối đa nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước... Từ thực tế trên cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết.

Trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... để hoàn thiện dự thảo Luật này.

Bộ Tài chính kiến nghị ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần quy định rõ hơn về đối tượng miễn kiểm tra hàng hóa. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính kiến nghị ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần quy định rõ hơn về đối tượng miễn kiểm tra hàng hóa. Ảnh minh họa

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị về một số vướng mắc khi thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể, liên quan đến các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, theo Bộ Tài chính, quy định về các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng còn thiếu cơ sở áp dụng dẫn tới khả năng doanh nghiệp có thể lợi dụng để gian lận chính sách.

Cụ thể, theo điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP: “c, Mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất; mẫu hàng để thử nghiệm phục vụ giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng”. Với quy định trên, theo Bộ Tài chính, trong trường hợp có kế hoạch sửa đổi các nghị định thì ban soạn thảo cần bổ sung rõ số lượng mẫu phù hợp và cơ sở để xác định mục đích nghiên cứu phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 7 Điều 7 Nghị định 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng bao gồm: “p, Các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) theo quyết định của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực”.

Tuy nhiên, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa có hướng dẫn cụ thể để tổ chức, cá nhân nhập khẩu và cơ quan Hải quan thực hiện quy định này, dẫn tới khó khăn trong triển khai.

Bộ Tài chính cho rằng, định nghĩa hàng hóa không nhằm mục đích kinh doanh rất đa dạng, phong phú từ chủng loại, số lượng, mục đích sử dụng nên khó quản lý nếu không được quy định cụ thể. Hơn nữa, cũng chưa rõ thủ tục xin miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh (hàng phi mậu dịch), hình thức văn bản miễn kiểm tra. Chưa rõ chứng từ, hình thức chứng từ phải nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa được miễn kiểm tra.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng phải kiểm tra chất lượng. Cụ thể, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định đối tượng phải kiểm tra chất lượng nhà nước được xác định theo tên hàng, mã số mà không quy định về mục đích sử dụng dẫn đến hàng hóa có mục đích sử dụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đó nhưng vẫn phải kiểm tra chất lượng do chưa có sự hướng dẫn rõ dàng.

Đơn cử như Thông tư 28/2022/TT-BYT không quy định loại trừ đối với phụ gia nhập khẩu dùng cho sản xuất như: Sản xuất nến (không dùng cho chế biến thực phẩm); Thông tư 01/2024/TT-BNNPTNT và Thông tư 39/2018/TT-BNNPTNT đối với mặt hàng muối để rửa chén bát (không dùng cho mục đích thực phẩm)…

Liên quan đến vấn đề này, cuối năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ có hướng dẫn triển khai quy định miễn kiểm tra chất lượng đối với các loại hàng hóa khác nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh như sau: Căn cứ vào tài liệu của từng loại hàng hóa và hồ sơ của người nhập khẩu, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xem xét, quyết định hàng hóa đó là hàng hóa không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) để được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu; quyết định của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực là căn cứ để cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa theo quy định”.

Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử quốc tế, các cá nhân tại Việt Nam có thể đặt mua hàng dễ dàng thông qua các web, từ đó, hàng hóa chuyển về Việt Nam thông qua các hãng chuyển phát nhanh. Chủng loại hàng hóa trên các trang thương mại điện tử đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm liên tục đổi mới, có giá trị thấp đến giá trị cao. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, để xem xét giải quyết thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ, chứng từ của lô hàng nhập khẩu, báo cáo Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, quyết định. Điều này kéo theo sự chậm trễ, ùn đọng hàng hóa trong các kho hàng chuyển phát nhanh cũng như thời gian thông quan lô hàng của cơ quan Hải quan.

Do vậy, nhằm tránh việc lợi dụng chính sách cũng như đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân đủ điều kiện miễn thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, Bộ Tài chính đề nghị ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa xây dựng chính sách quản lý thống nhất.

Cụ thể, nghiên cứu trường hợp những lô hàng nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh của cá nhân (không có mã số thuế), thực hiện giao dịch mua bán qua các sàn thương mại điện tử quốc tế nên có quy định khoanh vùng trường hợp nào đủ điều kiện được miễn kiểm tra chất lượng (xét theo các yếu tố trị giá, chủng loại hàng hóa). Trường hợp hàng hóa cần thực hiện thủ tục xin miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ Luật Ban hành văn bản quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành các nội dung liên quan đến thủ tục này.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-quy-dinh-ve-mien-kiem-tra-chat-luong-hang-hoa-khong-de-doanh-nghiep-gian-lan-337738.html