Sửa quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế: Sẵn sàng đón 'đại bàng'

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng kỳ vọng, với việc sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP (về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế) một cách toàn diện sẽ tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa những nhà đầu tư lớn, dự án có chất lượng cao…

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Hải Phòng.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Hải Phòng.

Nhiều bất cập

Phát biểu tại Hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP (NĐ 82 do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (DN) tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, DN, xây dựng, bảo vệ môi trường..., trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) như: trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan... Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế NĐ 82 nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết.

Nêu lý do sửa đổi NĐ 82, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã liệt kê một loạt tồn tại, bất cập trong việc phát triển các KCN trong thời gian qua như: Quy hoạch KCN chưa đảm bảo tiếp cận cảnh quan, hệ sinh thái; thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong KCN còn thấp; một số KCN triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất sử dụng cho dự án chưa được khai thác; việc bố trí đất đai cho các KCN nhiều nơi còn chưa hợp lý; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn khó khăn, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất KCN; nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc; sức ép đối với môi trường; công tác thực hiện và thanh tra, kiểm tra, giám sát triển khai quy hoạch phát triển KCN chưa được đẩy mạnh…

Nâng quy mô khu công nghiệp để tăng hiệu quả đầu tư

Góp ý vào việc sửa đổi NĐ 82, ông Phạm Hồng Điệp – Tổng Giám đốc KCN Nam Cầu Kiền nêu ví dụ, việc áp dụng tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% trung bình đối với các KCN vô tình tạo rào cản đối với các DN đầu tư phát triển hạ tầng hiệu quả khi triển khai các dự án KCN mới trên địa bàn vì bị phụ thuộc vào năng lực thu hút đầu tư của các KCN không hiệu quả. Để khuyến khích việc phát triển các KCN, đề nghị không áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60% để mở cửa và chào đón các đơn vị phát triển hạ tầng KCN có năng lực thực sự đầu tư vào địa phương đó.

Nhiều DN cũng cho rằng, không nên quy định giới hạn đầu tư KCN với diện tích dưới 500ha, với những địa phương có quỹ đất lớn và điều kiện hạ tầng tốt, nên cho phép phát triển các KCN quy mô trên 1.000 ha để thu hút các liên hiệp nhà máy đầu tư sản xuất lớn.

Đại diện Tổng Công ty IDICO cho rằng, quy định diện tích tối thiểu 75ha là không phù hợp bởi với diện tích này, việc triển khai đầu tư KCN sẽ không đảm bảo hiệu quả do quy mô nhỏ, không thể bố trí đầy đủ các hạng mục hạ tầng cần thiết nên không mang lại hiệu quả đầu tư. Vì vậy, quy mô KCN nên có diện tích từ 150ha trở lên.

Về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư, việc quy định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với đất trồng lúa) tối đa không quá hạn mức, theo các DN là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế hiện nay.

Giảm thủ tục hành chính, tăng chính sách ưu đãi

Để phát triển các KCN, KKT bền vững, tạo điều kiện thu hút đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần quan tâm thực hiện nhóm giải pháp giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, DN. Đơn cử như, trong triển khai thủ tục pháp lý cho việc hình thành 1 KCN. Hiện nay, để được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải mất thời gian từ 18 – 24 tháng, thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc đầu tư cũng như làm lỡ mất cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án.

Nhiều DN đề xuất, Chính phủ có thể nghiên cứu phương án ủy quyền và phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN cho Bộ KH&ĐT hoặc UBND cấp tỉnh dựa vào quy mô, tính chất của từng dự án để rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục.

Sau khi dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, hoặc hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, UBND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định việc cho phép dự án đầu tư được triển khai trước khi hoàn thành các thủ tục về xây dựng, đất đai…

Về phía nhà đầu tư, phải có cam kết về tiến độ hoàn thành các thủ tục và chịu trách nhiệm toàn bộ nếu không tuân thủ đúng điều kiện, quy chuẩn theo quy định của pháp luật có liên quan.

“Chúng tôi rất mong chờ Nghị định 82 sẽ được sửa đổi một cách toàn diện, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng KCN, KKT, đồng thời tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT. Từ đó, tạo điều kiện thu hút những dự án có chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ.

“Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn DN từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có vị trí địa chiến lược trong phát triển bất động sản công nghiệp, nền chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, kinh tế tăng trưởng tốt. Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định EVFTA, CTPPP, EVIPA… là bàn đạp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần phải gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành hệ thống bất động sản công nghiệp quy mô, hiện đại và dịch vụ hậu cần để đón bắt làn sóng FDI này…”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sua-quy-dinh-ve-quan-ly-khu-cong-nghiep-khu-kinh-te-san-sang-don-dai-bang-post413983.html