Sửa quy định xếp hàng hóa trên ô tô, siết tình trạng xe chở cuộn thép, ống bê tông chênh vênh

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 41/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2013 quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Theo Thông tư 41/2023, khi vận chuyển hàng rời phải sử dụng phương tiện có khoang chở hàng phù hợp, đảm bảo hàng hóa được che phủ chắc chắn, không bị rơi vãi. Ngoài ra, chiều cao tối đa của hàng phải thấp hơn mép trên thành thùng xe.

Đối với hàng bao kiện, Thông tư quy định các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau. Các kiện hàng bị nghiêng, lệch được xếp vào giữa để đảm bảo hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển.

Trường hợp giữa các kiện hàng có khoảng cách, phải dùng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để chống va chạm, xê dịch trong quá trình vận chuyển.

Trường hợp sau khi xếp hàng xong mà vẫn có khoảng trống trong thùng của phương tiện thì phải gia cố để cố định hàng hóa.

Không ít trường hợp xe chở hàng hóa nặng dễ rơi, dễ xô lệch nhưng không được chằng buộc, chêm chặt chẽ

Không ít trường hợp xe chở hàng hóa nặng dễ rơi, dễ xô lệch nhưng không được chằng buộc, chêm chặt chẽ

Đối với hàng dạng trụ, phải xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài phương tiện tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng của phương tiện. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài phương tiện.

Hàng dạng trụ có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng đường kính thì phải được đặt thẳng đứng sao cho trục hàng dạng trụ vuông góc với mặt đáy thùng phương tiện hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thông tư cũng quy định khi xếp loại hàng này phải được chằng buộc chắc chắn vào thành của phương tiện và phải sử dụng thùng hàng chuyên dụng hoặc sử dụng giá kê, giá đỡ có các thiết bị chêm, đế chêm hoặc máng, thiết bị chèn, lót, chằng buộc, gia cố để cố định trên sàn thùng xe, đảm bảo chắc chắn, tránh dịch chuyển hàng hóa theo phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng trong quá trình vận chuyển.

Đối với hàng dạng trụ có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.

Khi xếp hàng vào container thì container phải phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa; ngoài ra phải chèn, lót để hàng hóa trong container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, lái xe và người áp tải khi xếp hàng hóa trên xe ô tô.

Cụ thể, đơn vị vận tải phải tuân thủ việc xếp hàng hóa trên phương tiện theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thời gian qua, một số phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê tông cốt thép (BTCT), cọc thép… đã xảy ra tình trạng đứt dây chằng hoặc không chèn chắc chắn để rơi xuống đường gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Nhiều trường hợp, các cọc ống BTCT hoặc cọc thép dài xếp trên thùng xe, khi xe phanh gấp dẫn đến bị xô về phía trước, hất đổ cabin gây nguy hiểm cho người lái xe.

Không ít vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra, nguyên nhân chủ yếu do đơn vị vận tải, lái xe chưa thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện, việc xếp, chèn lót hàng trên xe chưa đảm bảo an toàn, dây sử dụng để chằng buộc không đủ lực để giữ cố định hàng hóa dẫn đến khi xảy ra sự cố hoặc xe phanh gấp làm đứt cáp khiến hàng hóa rơi xuống đường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sua-quy-dinh-xep-hang-hoa-tren-o-to-siet-tinh-trang-xe-cho-cuon-thep-ong-be-tong-chenh-venh-post563636.antd