Sửa Thông tư 06, ngưng hiệu lực các quy định gây khó cho doanh nghiệp

Cuối cùng thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).

Bài toán khó sắp tới sẽ là nghiên cứu các giải pháp để vừa kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN.

Trước đó, cũng trong ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8/2023.

Thông tư số 06 sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023.

Điều gây tranh cãi nhất của thông tư này là bổ sung nhiều quy định cấm cho vay khiến các DN bất động sản phản ứng. Một trong số đó là yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay”.

Theo đại diện các DN bất động sản, sau khi chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thì đây là thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án và tại thời điểm này thì dự án đã có đủ pháp lý thuộc giai đoạn thực hiện dự án, nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, chưa được huy động vốn của khách hàng.

Lý lẽ của khối bất động sản là nếu dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì chủ đầu tư không dại gì đi vay ngân hàng với lãi suất cao, do chủ đầu tư đã được phép mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng.

Phía NHNN thừa nhận, Thông tư 06 bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành một số khoản, điều tại Thông tư 06.

Thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN.

Liên quan đến Thông tư 06, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, việc sửa đổi cần cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này như đề xuất của NHNN.

Điều đó nhằm nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tránh các vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-thong-tu-06-ngung-hieu-luc-cac-quy-dinh-gay-kho-cho-doanh-nghiep.html