Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt, nên hướng tới hiệu quả và công bằng

Việc sửa đổi nhiều luật theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 bị trì hoãn 2 - 3 năm qua từ hậu đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm chín muồi để thông qua những luật thuế quan trọng, hiệu quả và công bằng hơn.

Cấp thiết sửa luật

Thời điểm của những thay đổi về thuế đang trở nên cấp bách khi các dự thảo luật hiện đã được Quốc hội đưa vào kế hoạch phát triển lập pháp cho năm 2024. Hiện khả năng sẽ có những thay đổi đáng kể đối với môi trường thuế vào giữa năm 2025.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm rượu bia. Ảnh: Trần Việt

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm rượu bia. Ảnh: Trần Việt

Liên quan đến Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Bộ Tài chính khẳng định cần thiết ban hành Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào Ngân sách Nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu…

Theo Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jochen Schmittmann, chính sách thuế của Chính phủ Việt Nam đã được điều hành một cách thận trọng và phản ánh chu kỳ trong những năm qua. Đây là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. "Nợ công của Việt Nam hiện đang ở mức rất thấp so với quốc tế, khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% GDP. Điều này có nghĩa là Việt Nam có nhiều dư địa tài khóa để mở rộng chi tiêu và đưa ra các biện pháp kích thích khác khi cần thiết" - ông Schmittmann nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến góp ý cho Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến góp ý cho Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Ở góc độ trong nước, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, chính sách thuế TTĐB không chỉ là công cụ để tăng thu ngân sách, mà còn có những tác động rộng lớn đến kinh tế - xã hội. Do đó, cần có cách tiếp cận toàn diện và hợp lý để đảm bảo thuế TTĐB thực sự đạt được các mục tiêu đề ra, không gây ra những hệ quả tiêu cực không mong muốn.

Đưa ra dẫn dụ ở châu Âu, đầu năm 2023 Vương quốc Anh đã tăng thuế đối với rượu khiến doanh số bán rượu giảm 20%. Trong nửa năm 2023 đến đầu năm 2024, nguồn thu thuế từ rượu giảm 108 triệu bảng Anh. Cuối năm 2023, Vương quốc Anh dừng tăng thuế để ứng phó với việc doanh thu từ thuế rượu giảm và áp lực từ chi phí sinh hoạt gia tăng.

Tại Úc, dự tính thất thu ngân sách khoảng 114 triệu USD do tăng thuế rượu vào năm 2023. Hay Hy Lạp, nước này tăng thuế rượu mạnh 125% trong giai đoạn 2009 - 2010 gây thất thu lớn, buộc năm 2018 phán quyết của Tòa án tối cao Hy Lạp đã hủy chính sách tăng thuế đối với rượu…

Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 trong đề xuất tăng thuế TTĐB với rượu bia.

Theo đó, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh rằng việc tăng thuế TTĐB có thể dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thu nhập của phần lớn dân số Việt Nam vẫn còn thấp.

Đối với doanh nghiệp, việc tăng thuế có thể làm tăng chi phí sản xuất và kinh doanh, gây áp lực lên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Từ đó dẫn đến việc cắt giảm đầu tư, hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

TS. Nguyễn Quốc Việt nêu rõ, mức thuế TTĐB quá cao có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng hàng hóa phi chính thức, hàng nhập lậu. Điều này không chỉ gây thất thu thuế, mà còn làm suy giảm hiệu quả của chính sách thuế trong việc kiểm soát và điều tiết tiêu dùng. Vì vậy, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa bất hợp pháp, tăng cường quản lý và giám sát để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thu thuế.

Khuyến nghị để có chính sách phù hợp

TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh, để hướng tới tương lai, thuế TTĐB được đánh giá là loại thuế sức khỏe (health-tax). Do đó cần chứng minh được 2 tính tương quan, liên hệ giữa việc tiêu thụ hàng hóa với những tác động tích cực đối với sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, nếu như thay đổi sắc thuế cần tạo được nguồn thu ngân sách, sử dụng chính ngân sách đó để phục vụ cho sức khỏe cộng đồng.

TS. Nguyễn Quốc Việt.

TS. Nguyễn Quốc Việt.

Luật Thuế TTĐB 2008 cùng 4 lần sửa đổi bổ sung đã điều tiết người tiêu dùng (ưu tiên hàng đầu), thu nhập xã hội (là mục tiêu cũ); tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặc biệt góp phần ổn định nguồn thu NSNN.

Theo nghiên cứu, từ 2008 sau khi gia nhập WTO, thuế VAT của Việt Nam đóng góp trong tỷ trọng thu NSNN tăng 4%, từ 22% lên 26%. Thuế TTĐB tăng từ khoảng 6% lên 8 - 9%, tăng từ 2 - 3% trong tỷ trọng NSNN. Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tăng 1%, từ 16 lên 17%. Đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân tăng từ 2,3% lên 9%, tăng 6%. Thuế xuất nhập khẩu giảm khoảng 7%, từ 14% xuống 6%.

“Tăng thuế TTĐB không phải là giải pháp phù hợp để tăng thu ngân sách, mức thuế cần đủ để điều tiết tiêu dùng nhưng không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước” – ông Việt chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế chính sách thuế sao cho đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế có thể tuân thủ và thực hiện hiệu quả.

Từ thực tế, ông khuyến nghị cụ thể cho chính sách thuế TTĐB trong dự thảo 2024, mức thuế phải phản ánh đúng chi phí xã hội của việc tiêu dùng các sản phẩm chịu thuế TTĐB, nhưng không quá cao để gây ra thất thu thuế hoặc khuyến khích hàng hóa phi chính thức, hàng nhập lậu. Chính sách thuế TTĐB cần hướng tới nhiều mục tiêu, bao gồm cả tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo tính công bằng trong thu thuế. Cần lưu ý kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây giảm thu. Cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ các sản phẩm chịu thuế TTĐB để ngăn chặn tình trạng buôn lậu và hàng giả, hàng nhái, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong thu thuế.

Cùng quan điểm, đại diện IMF tại Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về cải cách chính sách thuế nhằm giải quyết các thách thức lớn trong trung hạn và quản lý rủi ro một cách hiệu quả hơn.

Một là, nâng cấp khuôn khổ tài chính trung hạn và quy trình ngân sách. Cần cải thiện việc báo cáo về trách nhiệm tài chính và quản lý đầu tư công, đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng trong việc sử dụng các nguồn tài chính công. Nâng cao khả năng phân tích và hoạch định chính sách tài chính, giúp thu hút các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam.

Hai là, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao mức độ hỗ trợ của mạng lưới an sinh xã hội, đảm bảo các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu và hiệu quả hơn. Đảm bảo khả năng hỗ trợ tài chính có mục tiêu tốt hơn, tránh các biện pháp hỗ trợ tài chính toàn diện như trong thời kỳ dịch Covid-19.

Ba là, áp dụng cải cách thu ngân sách. Tăng cường hệ thống thuế để đáp ứng nhu cầu chi tiêu lớn trong tương lai, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Đảm bảo doanh thu thuế của Việt Nam tương xứng với quy mô của nền kinh tế, tiến bộ trong chiến lược cải cách hệ thống thuế từ năm 2021 - 2030 là rất quan trọng.

"Cần có một làn sóng cải cách về mặt cơ cấu để đối phó với những thách thức mới trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Điều này bao gồm việc nâng cấp nền kinh tế hướng tới các hoạt động có giá trị cao hơn, tăng cường nhu cầu trong nước, nâng cao năng suất lao động. Việt Nam cần phát triển thị trường vốn để giảm bớt các sai lệch trong việc phân bổ vốn, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng cao xung quanh mức 6% và bền vững trong những năm tới" - Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jochen Schmittmann

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-thue-tieu-thu-dac-biet-nen-huong-toi-hieu-qua-va-cong-bang.html