Sữa vắt bỏ và nghịch lý thời Covid

Người nông dân nuôi bò ở Mỹ đang phải đổ bỏ hơn 10 triệu lít sữa mỗi ngày vì các đầu mối thu mua chính là trường học, nhà hàng, công ty cung cấp thực phẩm đều đóng cửa do đại dịch Covid-19. Chắc chắn nông dân ở nhiều nước trên thế giới cũng đang chịu chung cảnh ngộ. Không cứ sữa mà nhiều nông sản khác bị ùn ứ cũng đành phải bỏ đi vì không có đầu ra.

Đổ sữa là giải pháp cuối cùng của nông dân Mỹ vì dù sao nó cũng là cách ít tốn kém nhất trong ngắn hạn. Còn việc chế biến sữa thành phô mai, bơ hay các chế phẩm từ sữa lại rất tốn kém.

Trong khi đó, nhiều nơi tại châu Phi nạn đói đang hoành hành, người dân không có đủ lương thực. Ở một số nước, người nghèo đang ngày càng khánh kiệt vì phải chi trả phần lớn thu nhập cho đồ ăn hằng ngày do đại dịch khiến thực phẩm khan hiếm, đắt đỏ hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá những nông sản bị đổ bỏ mang được sang châu Phi hay tới được tay những người dân khốn khổ đang sống trong nghèo đói để phát miễn phí thì tốt biết mấy! Tiếc của thì nói vậy, vì tất nhiên, sữa từ Mỹ cũng như nông sản từ các nước khác, không thể dễ dàng đem đi để cứu đói, do phụ thuộc nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan.

Nghịch lý thời Covid này cũng là lời cảnh báo cho thấy không thể xem nhẹ khuyến cáo hồi đầu tháng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Nguyên nhân không phải vì thế giới thực sự thiếu lương thực, mà bởi khâu phân phối và dòng chảy thương mại toàn cầu cũng như ở các quốc gia bị tắc nghẽn bởi các giải pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh như giãn cách xã hội hay phong tỏa, đóng cửa biên giới… Sản phẩm làm ra không đến được tay người có nhu cầu.

Rõ ràng, giữa cuộc khủng hoảng Covid-19, các quốc gia đơn lẻ không thể đủ khả năng ứng phó thêm một cuộc khủng hoảng nữa như khủng hoảng lương thực. Những nghịch lý kiểu vắt bỏ sữa bò, đổ bỏ nông sản… hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu có sự phối hợp hành động để “giải cứu” giữa các quốc gia, thông qua bảo đảm chức năng vận hành phù hợp của thị trường lương thực như FAO khuyến cáo.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/sua-vat-bo-va-nghich-l-y-thoi-covid-615571