Suất cơm sinh viên giá rẻ: Vừa túi tiền nhưng lắm nguy cơ
Chỉ 20.000 – 30.000 đồng/suất, vừa rẻ lại tiện lợi, những quán cơm sinh viên gần các khu vực trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội không lúc nào vắng khách. Tuy nhiên, mối tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các hàng quán này ngày một lớn.
Cơm giá rẻ quá hóa bất an
Khoảng 19h, tại một quán cơm trong ngõ sinh viên ở quận Đống Đa (Hà Nội), người mua cơm tự chọn xếp thành một hàng dài. Vừa chọn món, Hải Yến (sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tiết lộ lý do thường xuyên mua cơm bình dân là vì sự tiện lợi và giá thành rẻ. Nữ sinh viên cho biết việc học và đi làm thêm chiếm mất nhiều thời gian nên hầu như ngày nào cũng mua cơm ngoài. Chỉ với 25.000 đồng/suất nhưng bữa cơm đã có đến năm món, đủ cả mặn, xào, cơm, canh…
Những suất cơm bình dân đã và đang trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều sinh viên sống xa nhà hiện nay. Thế nhưng, trong thời điểm giá cả hàng hóa "leo thang" thì những suất cơm tự chọn nhiều món đang được bán với giá rẻ khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng thực phẩm.
Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là khu vực cung cấp thực phẩm cho nhiều quán cơm sinh viên giá rẻ. Khu chợ này mở cửa khá sớm, nhiều tiểu thương kinh doanh hàng cơm bình dân đã đổ về đây từ trước 5h sáng để lấy hàng. Nhìn chung, các mặt hàng tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội có giá chỉ bằng 1/3, thậm chí chỉ bằng 1/2 so với các chợ cóc, chợ tạm.
Cụ thể, cà chua có giá từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, bắp cải thảo 5 nghìn đồng/kg, đậu xanh 12 nghìn đồng/kg, trứng gà, vịt các loại từ 18 – 25 nghìn đồng/chục, gà công nghiệp mổ rồi 60.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ 65 nghìn đồng/kg, tôm sú từ 130 – 150 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải tất cả những sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, gia cầm, gia súc tại các chợ đầu mối đều rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ.
Để kinh doanh một quán cơm, cần bỏ ra nhiều khoản đầu tư từ tiền thuê mặt bằng, tu sửa, mua sắm thiết bị nhà bếp, dụng cụ, bàn ghế, tiền điện nước, cho đến chi phí mua nguyên liệu thực phẩm và thuê nhân viên phục vụ. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu như các quán cơm bình dân sử dụng sản phẩm sạch, tốt nhất thì khó có thể duy trì việc kinh doanh lâu dài trong khi giá bán ra khiêm tốn như vậy.
Biết không tốt nhưng vẫn ăn?
Cơm sinh viên hội tủ đủ ba yếu tố cơ bản phù hợp nhất với nhu cầu của sinh viên, đó là "Rẻ - No - Ngon". Dường như là chỉ cần có ba yếu tố này thì cái cần được xem trọng nhất là "chất lượng" sẽ được nhắm mắt cho qua. Điều này cũng khá dễ hiểu khi điều kiện tài chính của đa số sinh viên còn phải phụ thuộc vào gia đình. Nhiều sinh viên ở trong ký túc xá và không có đủ đồ dùng bếp núc, thời gian để bày biện và nấu nướng.
Khi được hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm tại các quán cơm sinh viên gần khu vực trường học, bạn Mai Thị Chi, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Vì giá rẻ nên mình cũng không đòi hỏi chất lượng đồ ăn cao được. Miễn các món ăn phù hợp với khẩu vị thì mình đều có thể chấp nhận."
Trong khi đó, Phạm Quốc Đạt, sinh viên năm cuối trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội lại có trải nghiệm không mấy tốt đẹp sau một lần ăn cơm "bụi": "Bụng mình đau dữ dội, luôn cảm giác buồn nôn và phải đi vệ sinh liên tục. Cho nên từ ngày đó đến nay, mình đã không bao giờ đi ăn tại các quán cơm sinh viên bên ngoài nữa."
Các vụ việc ngộ độc thực phẩm tại quán ăn đã không quá xa lạ, ngay cả trong trường học, với các bữa ăn được ký kết cẩn thận với các công ty cung cấp suất ăn uy tín. Vậy thì lấy gì để đảm bảo cho chất lượng của những suất cơm giá rẻ không rõ nguồn gốc thực phẩm mà các cử nhân tương lai vẫn sử dụng hằng ngày?
Chưa kể là điều kiện chế biến của rất nhiều quán ăn còn không đảm bảo quy trình, thậm chí là mất vệ sinh. Không khó để bắt gặp hình ảnh các chảo dầu đã chuyển qua màu đen được đặt ngay cạnh lối đi lại dùng để chiên cánh, đùi gà,... tại nhiều quán cơm sinh viên giá rẻ. Những đồ ăn đã được chế biến thì không được che đậy cẩn thận, ruồi nhặng dễ dàng đậu vào; hay là thớt thái đồ sống và đồ chín được sử dụng chung,...
Cơm sinh viên giá rẻ tiện, nhưng có thật sự tốt? Phù hợp với túi tiền, nhưng có thật sự phù hợp với sức khỏe của chúng ta? Người tiêu dùng cần phải nhận ra điều này và 'ăn có trách nhiệm, uống có ý thức' để bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như cho cộng đồng.