Sức bật 30a

PTĐT - Được thành lập tháng 4 năm 2007, huyện Tân Sơn có diện tích tự nhiên 68.858,2ha, dân số trên 87.000 người. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; tỷ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số...

Lãnh đạo huyện Tân Sơn thăm, nắm tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty chế biến gỗ Thu Cúc.

Lãnh đạo huyện Tân Sơn thăm, nắm tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty chế biến gỗ Thu Cúc.

PTĐT - Được thành lập tháng 4 năm 2007, huyện Tân Sơn có diện tích tự nhiên 68.858,2ha, dân số trên 87.000 người. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; tỷ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm trên 83%; trình độ dân trí không đồng đều; đại bộ phận nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62%, hạ tầng cơ sở thiếu và yếu; giáo dục, y tế kém phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn... vì vậy, ngay khi thành lập, Tân Sơn đã là một trong 61 huyện nghèo nhất của cả nước và thuộc diện được hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đây là một cơ hội to lớn nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Các nguồn lực đầu tư của Nhà nước muốn đạt hiệu quả cao thì việc tiếp nhận và sử dụng phải thật sự hợp lý, tiết kiệm và đúng mục đích.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn của Nghị quyết, huyện Tân Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình 30a tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết theo đúng định hướng của Trung ương và tỉnh. Nghị quyết được quán triệt sâu sắc đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời triển khai xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020” trình UBND tỉnh phê duyệt. Để Đề án có tính khả thi và nhanh chóng được thực hiện, huyện đã tiến hành xây dựng Kế hoạch điều chỉnh thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt, bò lai chất lượng cao. Các Đề án phát triển cây lương thực; phát triển kinh tế đồi rừng; phát triển kinh tế phục vụ du lịch; phát triển sản xuất cây vụ đông; phát triển thủy sản và phát triển nguồn nhân lực... được xây dựng phù hợp với thực tiễn và có khả năng tận dụng, phát huy được các tiềm năng, lợi thế nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Tân Sơn luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của các doanh nghiệp trong cả nước; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện. Với quyết tâm chiến thắng đói nghèo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tạo nên “sức bật 30a”, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Tân Sơn đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Trung tâm huyện lỵ huyện Tân Sơn.

Trung tâm huyện lỵ huyện Tân Sơn.

Tổng nguồn vốn đầu tư, huy động thực hiện đề án trên 2.200 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51% tăng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; bình quân thu nhập đầu người năm 2020 đạt 24,3 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2009; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện tăng bình quân hàng năm 20,06%. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đồng bộ; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt tỷ lệ 65%, tăng 31,58%, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều thay đổi tích cực; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 100%, tăng 13,6%; xã Minh Đài đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 6-12 tiêu chí. Cụm Công nghiệp Tân Phú được thành lập và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong huyện; 48/54 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 88,9%, tăng 41 trường; tỷ lệ trường học được kiên cố hóa đạt 85%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt 35%. Hệ thống y tế được củng cố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; 17/17 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ dân số được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 98,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề 49,5%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 13,59% giảm 48,41% so với năm 2009; hộ cận nghèo 10,35%... Từ những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố. Tháng 3/2018, huyện Tân Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm. Đây là thành tựu quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; khẳng định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III; đóng góp tích cực vào thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Sơn lần thứ IV; là tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và cũng là hoạt động thiết thực nhất của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tân Sơn chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.Phạm Thanh TùngTUV, Bí thư Huyện ủy Tân Sơn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202010/suc-bat-30a-173581