SỨC BẬT CHO HẠ TẦNG GIAO THÔNG TP HCM (*): Cần những người dám nghĩ, dám làm
Ngoài khung pháp lý cho các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT, mô hình TOD thì con người là yếu tố đặc biệt quan trọng
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP HCM, nhận xét những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội sẽ giúp thu hút các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu là nội dung mới, gỡ vướng cho các tuyến đường cửa ngõ vốn chật chội...
Chuẩn hóa về mặt con người
Theo TS Phạm Viết Thuận, để triển khai Nghị quyết 98 tốt, đòi hỏi chính quyền thành phố cùng các sở, ban, ngành nỗ lực xây dựng khung chính sách, khung pháp lý, chọn công việc ưu tiên.
Việc minh bạch các chính sách để thu hút nhà đầu tư rất quan trọng, như với dự án hợp đồng BT dùng ngân sách trả chậm, TP nên tính chuyện bán đấu giá đất để trả tiền nhà đầu tư thay vì đổi đất lấy hạ tầng như trước.
Riêng về mô hình TOD, việc phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng dọc các tuyến metro 1, metro 2 và Vành đai 3, TP cần rà soát, đánh giá kỹ tiềm năng. Nếu khai thác tốt quỹ đất này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách để tái đầu tư các dự án khác.
Đặc biệt, triển khai Nghị quyết 98 phải chú trọng câu chuyện nhân sự. "Làm sao những người đứng đầu đều dám nghĩ, dám làm, tận dụng cơ hội để bộ mặt hạ tầng giao thông thành phố phát triển xứng tầm, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội" - ông nói.
Cũng quan tâm vấn đề nhân sự, TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nêu dẫn chứng nhiều dự án gặp khó do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm vì nhiều nguyên nhân như chính sách bồi thường, khâu tuyên truyền, vận động, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các địa phương… Sắp tới, những dự án lớn như Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, mở rộng các tuyến quốc lộ cửa ngõ, cầu đường Bình Tiên, cầu Thủ Thiêm 4 được triển khai sẽ là thách thức lớn đối với Ban Bồi thường GPMB các địa phương khi đa số đều thiếu nhân sự.
Sở GTVT sẽ trình danh mục dự án để UBND TP trình HĐND TP thông qua trong tháng 9 này. Song song đó, Sở GTVT tiếp tục rà soát cũng như tiếp nhận các dự án mà nhà đầu tư đề xuất rồi xem xét trình HĐND TP.
Từ đó, ông cho rằng tương tự như Vành đai 3, cần thành lập một Ban Bồi thường GPMB cấp TP để phục vụ công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư cho các dự án giao thông trọng điểm, liên vùng.
Người của ban này ngoài trình độ chuyên môn cần ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý, tạo chính sách minh bạch, công khai giữa các địa phương, thúc đẩy tiến độ dự án và tạo sự đồng thuận của người dân có đất nằm trong dự án.
TS Dương Như Hùng cũng nhận định với Nghị quyết 98, vai trò của HĐND TP HCM cần được nâng cao, chuyên nghiệp hơn nữa trong thẩm định, bấm nút thông qua danh mục các dự án được đề xuất đầu tư BOT hoặc BT, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
"Đa số đại biểu HĐND hiện nay kiêm nhiệm. Để bảo đảm tính chất lượng thì HĐND nên mời chuyên gia, người có kinh nghiệm, có chuyên môn góp ý trước khi bấm nút" - TS Hùng nêu ý kiến.
Mong mỏi của nhà đầu tư
Góp ý về tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư hình thức BOT trên công trình giao thông hiện hữu, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), cho rằng ngoài các tiêu chí về quy hoạch, giải quyết ùn tắc, tác động đến kinh tế - xã hội thì cần quan tâm đến khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư. Cần đưa khả năng hoàn vốn vào tiêu chí để xem xét tính khả thi của dự án.
"Nhà đầu tư quan tâm đến hiệu quả. Bỏ tiền ra phải sinh lợi chứ không bỏ tiền ra chỉ làm đẹp cho thành phố. Ví dụ dự án xây dựng đường trên cao từ Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh nếu kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT thì rất khó vì khối lượng bồi thường GPMB rất lớn… Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nên ban hành bộ tiêu chí, trên cơ sở đó, nhà đầu tư thấy thỏa mãn sẽ nghiên cứu, gửi hồ sơ đến Sở GTVT" - ông Bình đề xuất.
Chia sẻ thêm thông tin CII đang tìm hiểu và khả năng sẽ tham gia 3 dự án BOT, ông Bình góp ý TP HCM muốn kêu gọi đầu tư BOT phải có thỏa thuận rõ ràng, sòng phẳng với nhà đầu tư, không dựa trên thông tư, nghị định chung chung mà dễ phát sinh tranh chấp.
Chung quan điểm, ông Lê Quốc Đạt, Tổng giám đốc IDICO, cho rằng khi chọn dự án đầu tư BOT, thành phố nên đưa tiêu chí tính khả thi, khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư lựa chọn. Trong khi đó, nói về những dự án cụ thể, đại diện Công ty Tư vấn BR góp ý, việc mở rộng, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 13, 22 và 1 rất quan trọng vì không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ mà còn là các trục kết nối với tuyến Vành đai 3, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP HCM.
"Với Nghị quyết 98, ngân sách nhà nước và nhà đầu tư cùng tham gia một dự án thì thời gian hoàn vốn nên dưới 15 năm sẽ hấp dẫn doanh nghiệp. Nếu ngân sách TP hạn hẹp, nên chăng kết hợp cả 2 hình thức là BT trả chậm và BOT để họ dễ dàng tham gia" - đại diện Công ty Tư vấn BT đề xuất.
4 tiêu chí lựa chọn
Chiều 9-8, Sở GTVT TP HCM phối hợp Trường Đại học Kinh tế Luật TP HCM tổ chức báo cáo chuyên đề Cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.
Mục đích buổi báo cáo nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đại diện các sở ngành, nhà đầu tư về việc lựa chọn danh mục dự án đầu tư BOT để trình HĐND TP thông qua trong thời gian tới.
Có 4 tiêu chí được 2 đơn vị này đưa ra để chấm điểm ưu tiên trong việc lựa chọn dự án. Thứ nhất dự án triển khai phải phù hợp quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ với các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp.
Thứ hai dự án phải phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Thứ ba dự án phải giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Thứ tư là dự án có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư khối tư nhân vào dự án BOT.
Mỗi tiêu chí được chia làm 3 mức gồm ưu tiên cao, ưu tiên và ưu tiên thấp. Trên cơ sở kết quả chấm điểm theo tiêu chí, sở báo cáo các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên các công trình đường bộ hiện hữu trong giai đoạn 2023-2030 theo thứ tự ưu tiên.
Các dự án theo thứ tự ưu tiên gồm: Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) với 90 điểm; Nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) - 90 điểm; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) - 85 điểm; Mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) - 85 điểm và xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) - 80 điểm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-8