Sức bật mới, đòi hỏi trách nhiệm lớn

Không chỉ hoàn thành Đề án kịp thời trình Trung ương đúng thời hạn, việc Hà Nội mạnh dạn sắp xếp giảm tới hơn 76% số đơn vị hành chính cấp xã còn cho thấy sự thay đổi về chất. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ mới đang đặt ra đòi hỏi thành phố chỉ đạo sát sao.

Rõ tính hợp lý

Ngày 28-4, tại Hội nghị lần thứ hai mươi hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố còn 126 xã, phường (50 phường, 76 xã). Ngay hôm sau, 29-4, HĐND thành phố Hà Nội đã xem xét và biểu quyết tán thành chủ trương, phương án trên. Thành phố đã hoàn chỉnh Đề án, kịp thời báo cáo cấp trung ương trước ngày 1-5 bảo đảm tiến độ như yêu cầu.

Mặc dù tiến hành với tinh thần cách mạng “vừa chạy vừa xếp hàng”, rất khẩn trương, nhưng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội vẫn bảo đảm chất lượng và được dư luận nhân dân đánh giá cao.

Trao đổi với Báo Hànôịmới, PGS.TS Phan Hữu Tích, nguyên Vụ trưởng Bộ Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, Hà Nội đã rất chủ động, khoa học và sáng tạo trong xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở.

“Theo tôi và nhiều đồng nghiệp, phương án sắp xếp khó có thể đạt 100% sự đồng thuận, nhưng nhìn chung là hợp lý và được đánh giá tốt. Trong đó, về địa giới hành chính, điểm nhấn là thành phố bố trí các phường, xã rất gọn, vuông vức, phù hợp với địa dư và quản lý, phát triển. Phương án sắp xếp còn giải quyết dứt điểm những vấn đề xen kẹt như khu vực đường Hoàng Quốc Việt giữa quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm mà những lần điều chỉnh địa giới hành chính trước chưa làm được. Ngoài ra, Đề án cũng cho thấy rõ tính chất văn hóa khi thay vì đánh số, Hà Nội chọn đặt tên phường, xã mới bằng những tên gọi gắn với lịch sử, văn hóa vùng đất”, PGS.TS Phan Hữu Tích nhìn nhận.

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội bấm nút thông qua các nội dung tại kỳ họp lần thứ hai mươi hai ngày 29-4. Ảnh: Viết Thành

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội bấm nút thông qua các nội dung tại kỳ họp lần thứ hai mươi hai ngày 29-4. Ảnh: Viết Thành

Hơn 2 triệu cử tri đại diện hộ gia đình đã tham gia lấy ý kiến

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, toàn thành phố có hơn 2 triệu cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến, trong đó có 97,36% đồng ý với phương án sắp xếp. Đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý cao nhất về phương án sắp xếp là các quận Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai; các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, đều đạt tỷ lệ trên 99%. Đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý thấp nhất về phương án sắp xếp là quận Nam Từ Liêm; các huyện Thanh Trì, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hoài Đức đạt từ 92% đến 94%.

Kết quả ý kiến cử tri về dự kiến tên gọi của xã, phường sau sắp xếp, tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý đạt 96,28%. Trong đó, đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý cao nhất về tên gọi là quận Đống Đa; các huyện Phú Xuyên, Đông Anh, đạt tỷ lệ trên 99%. Đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý thấp nhất về tên gọi là các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì, đạt từ 82% đến dưới 93%.

Cùng với sự nhất trí 100% của các đại biểu HĐND thành phố; trước đó, đại biểu HĐND của 30/30 quận, huyện, thị xã đã biểu quyết đồng ý thông qua phương án sắp xếp và tên gọi đơn vị hành chính cơ sở đạt tỷ lệ 100% trên tổng số đại biểu dự kỳ họp. Đại biểu HĐND của 366 xã, thị trấn biểu quyết đồng ý thông qua phương án sắp xếp và tên gọi; trong đó, HĐND của 364/366 xã, thị trấn, biểu quyết thông qua đạt tỷ lệ 100%; chỉ có 2 đơn vị có tỷ lệ đồng ý thấp hơn.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng để Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở được sự ghi nhận, ủng hộ cao là thành phố đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân được coi trọng, thực sự là chủ thể, trung tâm trong công việc khó khăn này. Ngoài ra, công tác truyền thông đã được các cấp, các ngành làm tốt, kịp thời giải quyết những vướng mắc dù là nhỏ ở các đơn vị.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh lý giải, sự đồng thuận của nhân dân đối với Đề án sắp xếp phường, xã của thành phố Hà Nội trước hết là sự ủng hộ đối với chủ trương của Trung ương, sắp xếp không đơn giản là về địa giới hành chính mà quan trọng là tạo ra không gian mới, tạo ra sức bật mới cho phát triển; đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại hiện nay trong thực tế.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng khẳng định, quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án mặc dù rất khẩn trương, nhưng không bỏ qua bước nào và được tiến hành kỹ lưỡng, khoa học.

Sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở mở ra không gian phát triển, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển bứt phá. Ảnh: Quang Thái

Sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở mở ra không gian phát triển, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển bứt phá. Ảnh: Quang Thái

Bảo đảm thông suốt, nâng cao chất lượng phục vụ, quản lý

Sắp xếp phường, xã tạo ra sức bật mới, nhưng rất cần đội ngũ cán bộ và bộ máy quản lý phải có trách nhiệm lớn. Trong khi chờ Đề án được Trung ương thông qua để đi vào thực hiện, cán bộ, cử tri và người dân thành phố Hà Nội cho rằng, cần chủ động, tích cực chuẩn bị và sớm triển khai một số việc quan trọng để khi “có lệnh” bắt tay vào sắp xếp thực tế, bảo đảm thông suốt hoạt động.

Nhiều người dân ở các quận Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân và các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức đã chia sẻ với Báo Hànôịmới về mong muốn, phường, xã rộng hơn, dân cư đông hơn thì cán bộ, công chức cũng sẽ có trách nhiệm cao hơn, phục vụ nhiệt tình hơn. Một số ý kiến còn lưu ý, phường, xã rộng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, nhưng đi kèm với đó phải bảo đảm đường truyền thông suốt, không bị chậm, bị gián đoạn vì sẽ gây bức xúc trong người dân.

Ông Nguyễn Duy Hiếu, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, cho rằng, phường rộng, dân số đông thì việc thiết yếu là phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nhất là kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng; không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo cơ hội cho tội phạm sinh sôi, vi phạm pháp luật nảy nở.

Bà Đàm Thị Tam, phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết, hoàn toàn ủng hộ Đề án sắp xếp các phường tại quận Long Biên và của cả thành phố và chỉ mong sau sắp xếp, chính quyền các cấp đổi mới mạnh mẽ như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải trên tinh thần gần dân, sát với dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cho những người yếu thế trong xã hội vươn lên.

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ đề nghị, thành phố sớm có hướng dẫn phương án sắp xếp cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị cấp phường, trong đó đưa ra các định hướng, nguyên tắc làm căn cứ cho địa phương chủ động tính toán, xây dựng phương án kịp thời, phù hợp.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, sau khi hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, gửi Bộ Nội vụ trước ngày 1-5 để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định, trong thời gian từ nay đến kỳ họp thường lệ tháng 7-2025, HĐND thành phố sẽ thêm 2 kỳ họp chuyên đề giữa tháng 5 và gần cuối tháng 6 để xem xét các cơ chế, chính sách liên quan khi sắp xếp đơn vị hành chính từ ngày 1-7-2025.

Việc hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã rõ ràng mới chỉ là bước đầu. Quá trình triển khai thực hiện cụ thể trong thực tiễn, tiếp tục đòi hỏi thành phố phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là luôn lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân và bảo đảm sự đồng thuận, nhất trí cao.

Hà Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/suc-bat-moi-doi-hoi-trach-nhiem-lon-701112.html