Sức bật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh

Cam, quýt của các hộ gia đình trên địa bàn huyện Sông Hinh được chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm làng nghề tỉnh Phú Yên giai đoạn 2019-2020. Ảnh: MINH DUYÊN

Huyện Sông Hinh có 10 xã và 1 thị trấn với 20 dân tộc sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,85%, chủ yếu là đồng bào Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày… Trong 5 năm qua, nhờ được đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, đời sống kinh tế của đồng bào ngày càng thay đổi.

Sản xuất gắn với quy hoạch

Đối với đồng bào DTTS, việc bảo đảm an ninh lương thực, đa dạng sản xuất là điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, huyện Sông Hinh nhân rộng diện tích trồng cây lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Đối với cây lúa, địa phương tăng diện tích lúa lai thay thế lúa rẫy để tăng năng suất. Hiện toàn huyện có 3.460ha diện tích gieo trồng lúa nước, trong đó lúa nước do đồng bào DTTS sản xuất chiếm 75%. Cây lúa cho năng suất ổn định gần 55 tạ/ha/vụ cao hơn lúa rẫy 4,4 lần. Đàn bò gần 19.000 con, trong đó bò lai chiếm trên 45%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 40%.

Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Sông Hinh. Địa phương triển khai quy hoạch vùng trồng gắn với các nhà máy tiêu thụ. Trong đó, các loại cây trồng chủ lực là sắn, mía, cây ăn trái. Hiện địa phương duy trì gần 7.000ha sắn, hơn 3.200ha mía lưu gốc và trên 850ha cây ăn trái. Nhờ có quy hoạch bảo đảm đầu ra nên nhiều hộ dân có cơ hội nâng cao đời sống.

Mí Phương, người dân tộc Ê Đê ở buôn Ken, xã Ea Bá, cho biết: Trước kia đồng bào cũng trồng sắn, mía nhưng thu nhập thấp vì không có đầu ra ổn định. Từ ngày có nhà máy, được trợ giá giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa nên sản xuất cho năng suất cao, chi phí vận chuyển giảm, đặc biệt đầu ra ổn định nên đời sống đồng bào ngày một khá giả. “Tôi cũng từng là hộ nghèo, nhờ cây mía, cây sắn mà thoát nghèo, thành hộ khá với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”, mí Phương nói.

Tập trung trồng cây ăn trái chất lượng là hướng chuyển đổi cây trồng thời gian tới của huyện Sông Hinh. “Hiện tổng diện tích trồng cây ăn trái của địa phương là 850ha; so với năm 2014, tăng 291ha và tăng 40ha so với cùng kỳ năm ngoái. Một số loại cây ăn trái chủ lực có diện tích lớn như bơ (trên 50ha), thơm (khoảng 40ha), chanh dây (trên 40ha), sầu riêng (khoảng 50ha), cam (20ha)…

Diện tích trồng cây ăn trái tăng mạnh do nhu cầu thị trường về nông sản này cao, giá trị kinh tế mang lại cao hơn từ 8-10 lần trồng lúa, sắn… Hiện địa phương đang thực hiện sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP và xây dựng một số sản phẩm cây ăn trái độc quyền gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm làng nghề”, ông Nguyễn Khắc Sự cho biết thêm.

Phát huy nguồn vốn chính sách

Huyện Sông Hinh lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi để từng bước hoàn thiện hạ tầng sản xuất, hạ tầng phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế. Ông KSor Y Phao, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, cho biết: 5 năm qua, toàn huyện đã huy động được hơn 118 tỉ đồng từ Chương trình 135 vào thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.

Đồng thời, từ nguồn kinh phí triển khai Quyết định 2085 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, 290 hộ được vay vốn tín dụng gần 4,4 tỉ đồng, 428 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt gần 12 tỉ đồng và 15 hộ được thụ hưởng 225 triệu đồng để di dời, giãn dân thực hiện xen ghép tái định cư. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã xóa được 437 nhà tạm cho hộ nghèo… Nhờ đó, từ các thôn, buôn đến xã, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống dần thay đổi.

Theo ông Trần Minh Khai, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, xã này từng là xã đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, hạ tầng cơ sở thiếu thốn. Có giai đoạn, hộ nghèo trong xã chiếm trên 50%. Hiện nay, trên địa bàn xã, những con đường đất được thay bằng đường bê tông, hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất được xây dựng đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt 25 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ giảm nghèo 13,55%/năm.

Theo ông KSor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên vùng đồng bào DTTS được đầu tư, hỗ trợ; đời sống của đồng bào đã và đang thay đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực. Tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương có mức tăng trưởng khá, hầu hết chỉ tiêu đề ra hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, cùng với dịch vụ thương mại ngày một sôi động. Tỉ lệ giảm nghèo đạt từ 4-5%/năm; từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS từ 2.881 hộ xuống còn 1.445 hộ.

HẢI PHONG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/234364/suc-bat-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huyen-song-hinh.html