Sức bật trong xây dựng nông thôn mới ở Đào Thịnh

Năm 2016, khi xã Đào Thịnh về đích nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân của người dân trong xã mới đạt 26 triệu đồng/người/năm; nhưng đến tháng 8/2021, khi đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, con số này đã đạt 56,01 triệu đồng - tăng 30 triệu đồng so với năm 2016. Đây là kết quả bất ngờ và kinh nghiệm để nhiều địa phương cùng tham khảo, học hỏi.

Nhớ lại những ngày đầu tiên Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) bắt tay vào xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy xã Đào Thịnh - ông Đỗ Văn Thức - khi đó là Chủ tịch xã Đào Thịnh - chia sẻ: Đào Thịnh có xuất phát điểm khó trăm bề: kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu thốn, thu nhập bình quân đầu người thấp (13 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo 36%, qua rà soát ban đầu xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí.

Đường và cầu được đầu tư xây dựng đang góp phần làm nên diện mạo mới cho Đào Thịnh

Đường và cầu được đầu tư xây dựng đang góp phần làm nên diện mạo mới cho Đào Thịnh

“Khó là vậy nên ngay từ đầu, chính quyền xã Đào Thịnh đã xác định, kinh tế sẽ giữ vị trí trung tâm, là nền tảng và động lực để Đào Thịnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch xây dựng NTM” - ông Đỗ Văn Thức cho hay.

Với tư duy này, tranh thủ nguồn lực đầu tư cho NTM của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh Yên Bái, của huyện Trấn Yên, đặc biệt là sự đồng tình nhất trí của gần 800 hộ trong thôn, Đào Thịnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành 2 vùng sản xuất tập trung gồm: vùng trồng dâu nuôi tằm 45ha; vùng trồng quế 800ha…

Người dân xã Đào Thịnh mang quế đến bán cho Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam

Người dân xã Đào Thịnh mang quế đến bán cho Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam

Dẫn chúng tôi đi lên những cánh rừng quế xanh mướt được người dân phủ kín trên đồi, quanh nhà, anh Phạm Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh - thông tin: Cây quế được người dân Đào Thịnh trồng từ thời thực dân Pháp xong diện tích không nhiều. Từ những năm 1990 trở lại đây, với giá thu mua năm sau cao hơn năm trước, cây quế được nhiều hộ dân tập trung phát triển. Đến năm 2021, Đào Thịnh đã có trên 800 ha quế/880 ha diện tích rừng. Không chỉ là loại cây che phủ rừng, cây quế đang mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Gỗ quế dùng để sản xuất ván bóc, đồ mỹ nghệ, sử dụng trong các công trình xây dựng, lá quế dùng để chưng cất tinh dầu, làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, làm gia vị, làm hương…

Đến nay, Đào Thịnh đã có trên 15 hộ làm vườn ươm cây quế giống với 8 triệu cây giống/năm; có 3/5 hợp tác xã trồng và chế biến quế, có 15 hộ chế biến các sản phẩm từ gỗ quế, có 7 hộ sản xuất các sản phẩm quế và hình thành 30 hộ gia đình làm thủ công mỹ nghệ chế biến vỏ quế. Số lao động có công việc thường xuyên từ cây quế khoảng trên 1.000 lao động - thu nhập bình quân từ 5,5 - 9 triệu đồng/ người/ tháng.

“Trong số 800 ha quế đang phát triển ở Đào Thịnh, đáng nói là có tới 665 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ. Mấy năm trở lại đây, cùng với việc Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) xây dựng nhà máy thu mua và chế biến quế ngay tại xã Đào Thịnh, người dân Đào Thịnh không chỉ thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, mà các sản phẩm quế hữu cơ bà con trồng được còn cho thu nhập cao hơn hẳn nhờ các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Pháp… Hiện thu nhập từ cây quế của người dân Đào Thịnh đạt từ 45 - 50 triệu đồng/ha/năm”, anh Đặng Văn Trung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đào Thịnh - phấn khởi chia sẻ.

Với nguồn thu từ quế khoảng 118,9 tỷ đồng/năm, Đào Thịnh có thêm nguồn lực để xây dựng các công trình công cộng như: Đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, khôi phục các lễ hội… Đặc biệt, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, việc kêu gọi đóng góp để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM ở Đào Thịnh ngày càng thuận lợi, với sự đồng tình cao của người dân.

Cùng dạo bước trên con đường NTM sạch đẹp, rộng rãi, bà Nguyễn Thị Hiên (thôn 6, xã Đào Thịnh) hồ hởi: Xã bảo hiến đất để mở rộng đường, gia đình tôi nhất trí ngay. Phải chặt quế, phá vườn sắn nhưng có đường rộng cho thôn, cho xã là phấn khởi. Con cháu ở xa về thăm nhà, thấy xã, thôn thay đổi từng ngày… ai cũng vui.

Bà Nguyễn Thị Hiên (thôn 6, xã Đào Thịnh) kể chuyện về con đường được nhiều hộ trong thôn cùng tham gia hiến đất

Bà Nguyễn Thị Hiên (thôn 6, xã Đào Thịnh) kể chuyện về con đường được nhiều hộ trong thôn cùng tham gia hiến đất

Từ chỗ, xác định cây quế là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân… Đào Thịnh nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Không chỉ là xã thứ 4 của huyện Trấn Yên về đích NTM, Đào Thịnh còn hoàn thành mục tiêu xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2021. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Đào Thịnh đạt 56,01 triệu đồng/người/năm, toàn xã không còn hộ nghèo về thu nhập.

Trong những ngày lưu lại xã NTM kiểu mẫu Đào Thịnh, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều hộ ở Đào Thịnh tham gia trồng, sản xuất, chế biến quế và dâu tằm… nhưng đường làng, ngõ xóm của Đào Thịnh khá phong quang, sạch sẽ. Hết giờ làm, người già, thanh niên ở Đào Thịnh lại đổ về các sân chơi thể thao để đánh bóng, hát múa. Trong lúc dẫn tôi lên đồi quế thăm thú, thấy tôi lo lắng vì chiếc xe máy dựng ở ven đường vắng vẻ, Chủ tịch Hội nông dân Phạm Văn Tiến cười lớn: “An ninh ở đây tốt lắm, để đó đến mai cũng không mất đâu”.

Có lẽ, không cần đọc những trang báo cáo dài dằng dặc hay những lời giới thiệu to tát, chỉ cần nhìn người dân Đào Thịnh hăng say kể về chuyện trồng quế, hái dâu; đi qua những ngôi nhà xây cất kiên cố với vườn cây, hoa rực rỡ; nhìn người dân tập trung vui chơi ở nhà văn hóa, sân bóng… là có thể cảm nhận được xây dựng NTM đang tác động tích cực như thế nào đến sự ấm no, an vui của Đào Thịnh.

Rõ ràng, xây dựng NTM, ở đâu cũng vậy, cần có những người lãnh đạo tâm huyết, cần những cách làm phù hợp - trong đó người dân được xem là chủ thể - và cần hơn cả, chính là sự đồng lòng, nhất trí và thấu hiểu của mỗi người dân. Có như vậy, nông thôn sẽ không chỉ có “diện mạo mới” mà thực sự mang “sức sống mới” giống như câu chuyện ở Đào Thịnh.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-bat-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-dao-thinh-171814.html