Sức ép lớn từ thịt trâu, bò nhập khẩu
Với ưu thế giá rẻ, nguồn cung dồi dào, thịt trâu, bò nhập khẩu đang cạnh tranh gay gắt với thịt trâu, bò nuôi trong nước.
Thịt trâu Ấn Độ giá rẻ tràn ngập thị trường
Chia sẻ với Lao Động, chị Dương Kiều Anh (33 Đặng Như Mai, Vinh, Nghệ An) cho biết, thời gian gần đây thịt trâu, bò được bán nhiều trên mạng, chất lượng khá tươi ngon, lại dễ mua, giá rẻ nên chị thường mua về chế biến.
"Chỉ cần gõ từ khóa “mua thịt trâu Ấn Độ”, “thịt trâu, thịt bò nhập khẩu”, Google cho hàng nghìn kết quả. Giá thịt trâu, bò nhập khẩu rẻ chỉ bằng nửa giá thịt trong nước", chị Dương Kiều Anh chia sẻ.
Theo lời giới thiệu của một trang web bán hàng online, thịt trâu Ấn Độ được mời chào trên trang web này chỉ có giá bằng một phần hai giá thịt trâu trong nước (giá thịt trâu tươi trong nước lên tới 250.000-350.000 đồng/kg, tùy loại).
Trang web Anbinhgroup cũng chia sẻ giá các loại thịt trâu chỉ bằng một nửa giá thịt trâu Việt Nam và khẳng định: Thịt trâu Ấn Độ an toàn vì đóng gói rút chân không khi nhập khẩu về Việt Nam.
Các trang web Phúc Đạt Food, Thực phẩm sạch HD, Cavifood Company, Handoo, Công ty Thực phẩm Đà Lạt… cũng đăng bán thịt trâu, bò nhập khẩu với đủ chủng loại, khách hàng chỉ cần 1 cú click chuột là có thể mua được số lượng gần như không hạn chế.
Không chỉ được rao bán online, thịt trâu, bò nhập khẩu còn được bày bán nhiều tại các siêu thị, trung tâm thương mại với giá rẻ đến bất ngờ.
Thịt nhập khẩu "làm khó" ngành chăn nuôi trong nước
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam nhập khẩu 81.440 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 158,92 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và 7,5% về trị giá so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 5% về lượng nhưng giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo tính toán của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới.
Trong đó, Ấn Độ tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam, với tỉ trọng 23,15% về sản lượng và 35,37%.
Cụ thể, trong tháng 10, Việt Nam đã nhập 18.850 tấn thịt từ Ấn Độ, trị giá 56,21 triệu USD, tăng 44,2% về lượng và tăng 34,4% về trị giá so với tháng 10/2022. Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm thịt từ Ấn Độ về Việt Nam giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 2.982 USD/tấn (tương đương khoảng 72.000 đồng/kg).
Lũy kế 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 126.930 tấn (mỗi tháng gần 12.700 tấn), trị giá 372,61 triệu USD, giảm 2,5% về lượng và 11% trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Một cán bộ thú y phụ trách kiểm dịch động vật nhập khẩu chia sẻ với Người Lao Động, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt từ Ấn Độ hầu hết là thịt trâu đông lạnh, không thấy các mặt hàng khác như: thịt heo, gà,…
Hiện, thịt trâu đông lạnh từ Ấn Độ được đưa vào các cơ sở chế biến, các quán ăn và cả rã đông bán lẻ với giá từ 70.000 – 150.000 đồng/kg, tùy chủng loại.
Với giá rẻ chỉ bằng một nửa thịt trâu, bò trong nước, phương thức bán trên mạng thuận tiện, thịt trâu, bò nhập khẩu đang cạnh tranh gay gắt với thịt trâu, bò nuôi trong nước.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - khẳng định: Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc trao đổi hàng hóa, thương mại là hoàn toàn bình thường, không thể "ngăn sông, cấm chợ".
"Chúng ta tham gia vào sân chơi lớn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi các nước thì phải chấp nhận "cuộc chơi", không thể giá của họ rẻ hơn thì không cho nhập. Đương nhiên, trong sân chơi này ngành chăn nuôi Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng phải chấp nhận. Điều quan trọng là người chăn nuôi trong nước phải cải tiến lại cách thức để giá cả có thể cạnh tranh", ông Thắng nói.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/suc-ep-lon-tu-thit-trau-bo-nhap-khau-a640809.html