Sức ép từ dòng người di cư và câu chuyện của các điểm phát thực phẩm từ thiện của Đức
Khi các điểm phát thực phẩm miễn phí tại Đức ngày càng gặp khó khăn do tình trạng lạm phát và lượng người di cư tăng lên, liệu chính phủ sẽ đứng ra giải quyết?
Hiện Đức có hơn 900 điểm phát thực phẩm. Những điểm phát này hoạt động dưới sự quản lý của tổ chức từ thiện Tafel e.V. với mục đích hỗ trợ cho bất cứ ai có thể chứng minh được rằng họ đang gặp các vấn đề về tài chính. Tuy nhiên, ngày càng có ít các công ty quyên góp cho họ, bất chấp nhu cầu thực phẩm tăng trong bối cảnh lạm phát cao và dòng người tị nạn từ Ukraine tràn vào.
Không khó để nhận ra nhu cầu viện trợ lương thực đang ngày càng tăng mạnh. Tại quận Köpenick thuộc thủ đô Berlin, một trung tâm dành cho người hâm mộ đội bóng Bundesliga FC Union Berlin đã được biến thành điểm phân phối thực phẩm. Dưới cái nắng 30॰C, người dân vẫn xếp hàng dài để có thể được vào trong nhận thức ăn.
Áp lực tăng nguồn viện trợ
Với Denise Lauer, đây là lần đầu tiên cô đi đến ngân hàng lương thực. Cô đã từng cảm thấy đắn đo và xấu hổ không dám đến điểm phát thực phẩm. “Tôi muốn thử đến đây xem thế nào. Nhưng trước đây tôi đã không dám vì quá xấu hổ”, Danise chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê Liên bang Đức, giá cả lương thực tăng lên gần 15% so với năm ngoái, với ngưỡng lạm phát đạt 7,3%.
Điều này khiến nhiều người không còn đủ khả năng chi trả cho thực phẩm và bắt buộc phải dựa vào viện trợ để sống qua ngày. Kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022, 20% điểm phân phát lương thực Đức ghi nhận số người cần được hỗ trợ về thực phẩm tăng lên gấp đôi, theo báo cáo của Hiệp hội liên bang Tafel.
Carol Seele, hiện đang làm quản lý tình nguyện viên tại điểm phát lương thực Köpenick, chia sẻ: “Trước đây khi chưa có xung đột Nga-Ukraine, vào những ngày phân phát thức ăn, có chưa đến 340 người có nhu cầu thực phẩm. Thế nhưng giờ đây, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận đến hơn 500 người”. Đồng nghiệp của Carol, Rita Hisch cho biết thêm: “Như vào thứ Sáu tuần trước, chúng tôi có 564 khách hàng”.
“Chúng tôi đang tiếp nhận nhiều người hơn vì xung đột Nga-Ukraine”, Seele chia sẻ. “May mắn là chúng tôi vẫn chưa phải giới hạn số lượng người đăng ký”.
Theo quy định, bất kỳ ai có giấy tờ chứng minh hiện đang trong tình trạng khó khăn đều sẽ nhận được trợ cấp lương thực. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lương thực đang phải cắt giảm khẩu phần thức ăn có thể cung cấp đủ cho mỗi người dân đến đây, một số nơi thậm chí còn ngừng tiếp nhận người mới.
Tetyana Kudyna là một người tị nạn đến từ Ukraine. Cô cùng con trai út đến Đức để tránh xung đột ở quê nhà, còn chồng cô và người con trai lớn vẫn ở lại thủ đô Kiev. Vào ngày thứ Ba hàng tuần, Kudyna đến ngân hàng lương thực cùng với con trai để nhận thức ăn. Theo Kudyna, việc này giúp cô tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Đây cũng là nơi giúp Kudyna giải tỏa những nỗi lo trong lòng vì cô có thể giao lưu với những người Đức và người Ukraine khác.
Điểm phát lương thực đầu tiên của Tafel được thành lập vào năm 1993 tại Berlin. Tổ chức này cho biết, hiện đang hỗ trợ khoảng 2 triệu người, với nhiều chi nhánh tại các địa phương chuyên tiếp nhận thực phẩm và tiền quyên góp. Tafel cũng nhận được quyên góp từ các chuỗi siêu thị lớn như Rewe, Lidl và Ald, với thức ăn thừa và các sản phẩm bị lỗi nhỏ.
Điểm tựa cho dân nghèo
Các ngân hàng lương thực Đức có nhiệm vụ giúp đỡ những người đang sống cảnh nghèo khổ, có nghĩa là những người có ít hơn 60% thu nhập so với mức sống trung bình. Nếu theo quy định này, tại Đức hiện đang có khoảng 13 triệu người được coi là có hoàn cảnh sống dưới mức nghèo khổ.
Thế nhưng Hiệp hội liên bang Tafel cũng tiết lộ rằng, lượng thực phẩm quyên góp đã bị giảm đi. Theo ông Andreas Steppuhn, tân chủ tịch của Tafel, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này: “Các siêu thị hiện nay có xu hướng hoạt động tiết kiệm hơn để không còn quá nhiều thực phẩm thừa vào cuối ngày. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến lượng thực phẩm được quyên góp”.
Ông Andreas Steppuhn cũng cho biết thêm, “về mặt nguyên tắc, chúng tôi rất ủng hộ điều này vì giảm thiểu lãng phí thức ăn là một điều tốt. Thế nhưng trên thực tế thì các ngân hàng lương thực đang cần nhiều thực phẩm hơn để có thể đáp ứng lượng khách ngày một tăng”.
Ông Steppuhn cũng cho biết, các ngân hàng lương thực Tafel - là các đơn vị hoạt động độc lập - hiện đang trong trạng thái khủng hoảng. Họ không thể bù đắp cho những thất bại của chính phủ và “các cơ quan chính trị phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Ông Steppuhn mong muốn tổ chức giữ quyền tự chủ, nhưng vẫn sẽ nhận được “tài trợ cơ bản (của nhà nước)” để Tafel có thể tiếp tục các hoạt động. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa rõ liệu chính quyền Đức có ủng hộ ý tưởng này hay không.
Cô Lauer lần đầu tiên đi đến ngân hàng lương thực đã vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng khi biết được “mọi người làm việc này trên cơ sở tự nguyện”. Quả thực, Tafel hoạt động dựa vào thiện chí của khoảng 60.000 tình nguyện viên.
Lauercũng cho biết thêm, cô sẽ tiếp tục đến ngân hàng lương thực để có thể vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.