Sức hấp dẫn vượt thời gian của 'Chuyện người con gái Nam Xương'

'Chuyện người con gái Nam Xương' và 'Truyền kỳ mạn lục' nói chung có sức sống vượt thời gian bằng cách lồng ghép những yếu tố kỳ dị vào bức tranh xã hội thực tế, nhức nhối.

Vào ngày khởi chiếu 7/2 (mùng 9 Tết), Đèn âm hồn chính thức vượt qua hai đối thủ phòng vé là Nụ hôn bạc tỷ của Thu Trang và Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành, dẫn đầu doanh thu phòng vé theo ngày. Phim cũng lọt top phim Việt có lượng vé bán sớm cao nhất với 40.000 vé bán ra trước ngày khởi chiếu.

Bộ phim của đạo diễn Hoàng Nam lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương - truyện thứ 16 trong tuyển tập Truyền kỳ mạn lục của danh sĩ Nguyễn Dữ.

 Hình ảnh từ phim Đèn âm hồn. Ảnh: Fanpage phim Đèn âm hồn.

Hình ảnh từ phim Đèn âm hồn. Ảnh: Fanpage phim Đèn âm hồn.

Phận người nữ trong xã hội phong kiến

Truyền kỳ mạn lục gồm 20 tác phẩm riêng, được viết theo thể loại văn xuôi, văn biền ngẫu, thơ ca. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những tích lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dữ biến tấu theo phong cách cá nhân của mình.

Trong Truyền kỳ mạn lục, Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử truyện) là gần gũi với bạn đọc ngày nay hơn cả vì được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông.

Truyện kể về người con gái tên Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương, dung mạo đẹp, đức hạnh, hiền lành, kết hôn với Trương Sinh. Khi chồng đi lính, nàng ở nhà chăm sóc mẹ chồng, nuôi dạy con. Lúc Trương Sinh trở về thì mẹ anh đã qua đời. Đứa con trai vô tình nói với Trương Sinh là có người đàn ông đêm đêm lui tới mà Vũ nương giới thiệu là bố nó.

Mặc cho Vũ nương giãi bày và xóm giềng góp lời minh oan, Trương Sinh vẫn nhất quyết không tin lời vợ, cũng không hé răng tiết lộ chuyện con trai kể. Oan ức, Vũ nương trầm mình xuống sông tự vẫn rồi được một nàng tiên cứu sống.

Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Dữ dành nhiều ưu ái cho những nhân vật nữ: "Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ đẹp, chuyên nhất, tảo tần, giàu lòng vị tha nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm".

Chuyện người con gái Nam Xương tiêu biểu cho tinh thần chung của Truyền kỳ mạn lục: "Có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối, hủ bại, đả kích hôn quân bạo chúa, tham quan lại nhũng, đồi phong bại tục, có truyện nói đến quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của sĩ phu ẩn dật...", PGS.TS viết.

Có lẽ đó là lý do mang đến cho Truyền kỳ mạn lục sức sống vượt thời gian. Kể từ khi ra đời, tác phẩm đã sớm được giải âm sang chữ Nôm và sau này là dịch sang chữ Quốc ngữ, xuất bản nhiều lần. Trong đó, nổi bật là các bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện (1943).

Trên cơ sở bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, nhà Hán học - chuyên gia văn học Việt Nam trung đại Trần Thị Băng Thanh đã chỉnh lý để bản dịch được gần với nguyên tác hơn. Năm 2022, Nhà xuất bản Kim Đồng cho in bản dịch có chỉnh lý này kèm phần minh họa công phu của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.

Phiên bản sách nói Truyền kỳ mạn lục trên app Fonos cũng được độc giả đánh giá cao. Nhiều truyện trong Truyền kỳ mạn lục trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ, họa sĩ, tiêu biểu có thể kể đến dự án minh họa Chuyện người con gái Nam Xương Chuyện tướng Dạ Xoa của Hoàng Văn Tài.

Năm 2023, trong cuộc thi "Truyện dài thành truyện ngắn" do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, thí sinh H.Y đã giành giải Độc giả bình chọn và giải Cây hài quốc dân với phần viết lại Chuyện người con gái Nam Xương vỏn vẹn trong 11 chữ: "Bảo chồng là bóng. Người phụ nữ nhận cái kết đắng", nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội.

 Một số bản sách Truyền kỳ mạn lục những năm gần đây. Trong đó ngoài cùng bên phải là ấn bản kèm minh họa.

Một số bản sách Truyền kỳ mạn lục những năm gần đây. Trong đó ngoài cùng bên phải là ấn bản kèm minh họa.

Thiên cổ kỳ bút

20 truyện trong Truyền kỳ mạn lục lột tả những những tình huống gắn với cuộc sống của con người trong xã hội phong kiến, song lồng ghép những yếu tố ly kỳ, nhuốm màu ma quái trong dân gian. Truyền kỳ mạn lục bộc lộ được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với những phận người trong thời đại mình.

Thông qua các nhân vật kỳ ảo như thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ..., tác giả phản ánh bức tranh xã hội đương thời nhiều rối ren, loạn lạc. Từ đây, ông thể hiện thái độ phê phán bối cảnh chính sự hỗn loạn, các tệ nạn khiến cuộc sống của người dân chịu cảnh cơ cực, oan trái. Cuối mỗi truyện, có lời bình của tác giả hoặc của người có cùng quan điểm với tác giả.

Cùng với Nam Hải dị nhân liệt truyệnLĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam giai đoạn trung - cận đại, được độc giả nhiều thế hệ đón nhận từ khi mới ra đời và được các học giả thuộc nhiều thời kỳ đánh giá cao. Tiến sĩ Vũ Khâm Lân ở thế kỷ 18 gọi Truyền kỳ mạn lục là “thiên cổ kỳ bút”.

Giáo sư Bùi Duy Tân (1931-2009) cho rằng tác phẩm "kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động". Từ đó khẳng định Truyền kỳ mạn lục là "mẫu mực của thể truyền kỳ", "áng văn hay của bậc đại gia", tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.

Nguyễn Dữ, chưa rõ năm sinh, năm mất, sống vào khoảng thế kỷ 16, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Ông sinh ra trong gia đình gia giáo, cha là tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu.

Ông là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Vốn là người học giỏi, Nguyễn Dữ sớm đỗ đạt và ra làm quan cho nhà Hậu Lê. Sau đó, bất mãn với chế độ phong kiến thời bấy giờ, ông từ quan về quy ẩn ở Thanh Hóa.

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm văn học duy nhất của ông. Theo lời tựa của tác giả đương thời, Nguyễn Dữ viết tác phẩm này trong thời gian ông sống ẩn cư.

(*) Hình ảnh đầu bài thuộc dự án minh họa Truyền kỳ mạn lục của Hoàng Văn Tài. Nguồn: Behance.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/suc-hap-dan-vuot-thoi-gian-cua-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-post1529886.html