Sức hút các trò chơi dân gian trong Lễ hội Khai hạ
Tại Lễ hội Khai hạ (LHKH) được tổ chức hàng năm, một trong những hoạt động sôi nổi, thu hút được đông đảo người dân tham gia là các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian. Việc đưa các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian vào lễ hội không chỉ tạo nên không khí vui tươi, hào hứng của lễ hội ngày xuân mà còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa, mang giá trị truyền thống dân tộc.
Nói đến trò chơi dân gian trong LHKH không thể không nhắc đến trò chơi đánh mảng. Đánh mảng có thể chơi 2 người hoặc đông người, chia thành 2 phe. Đồng mảng là hạt của loại cây trong rừng, có hình dẹt tròn, đường kính khoảng 3-4cm, màu nâu bóng, rất dẻo và rắn. Để chơi, người chơi phải qua 9 bước từ lăn mảng đến bèn hồ và hầu hết phải vận động toàn thân kèm theo độ khéo léo, tinh nhạy. Người chơi say sưa biểu diễn tài nghệ của mình. Người xem bình luận, hô hét khích lệ rất hào hứng.
Nếu như đánh mảng là trò chơi được chị em ưa thích thì đánh cù (đánh đuốl) lại thu hút các em nhỏ và cả thanh niên. Cù quay được làm bằng gỗ cứng như lim, đinh, chò chỉ. Đánh cù quay có hai hình thức chủ yếu: thi quay tít và chọi quay. Đầu tiên các bạn trẻ thường thi quay tít. Một vòng tròn được vạch ra trên đất bằng, cách vạch người đứng thi từ 5-7m. Mọi người đứng hàng ngang ở vạch thi đấu, khoảng cách vừa phải để khi vung quay tay không chạm vào nhau. Chủ trò hô lên một tiếng, những con quay lao vút vào vòng quay phát ra những tiếng kêu vo vo vù vù quay tít. Con quay nào quay lâu nhất sẽ được mọi người trầm trồ khen ngợi. Con nào nhảy chồm chồm ra khỏi vòng tròn rồi đổ lăn ra là chưa đạt, chủ nhân của nó tiu nghỉu, có khi phải đẽo lại chiếc khác. Trò đánh cù bao giờ cũng thu hút được nhiều người chơi, nhiều khán giả hâm mộ. Ai có con quay trước thì phải thả ra khoảng trống trước mặt để làm mồi, con quay mồi nhảy nhót, quay vù vù. Một người khác vung tay lên, một con quay từ trên bổ xuống giáng mạnh vào con quay mồi. Có con quay bị giáng mạnh còn bị vỡ toác... Tiếng xuýt xoa khen ngợi nổi lên. Nếu chọi không trúng thì con quay chọi phải thay thế con mồi.
Khác với trò chơi đánh mảng hay đánh cù, trò chơi ném còn lại thu hút được nhiều người tham gia ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Cột còn là một cây tre tươi, thân dựng thẳng đứng, chắc chắn, cao khoảng 5 - 7 m. Đỉnh cột có một vòng tre vót mỏng hoặc nứa vót nhẵn, đường kính khoảng 40-50cm, được dán giấy mầu bịt kín. Người chơi chia làm hai bên, lấy cột còn làm trục. Một bên cầm quả còn làm bằng vải nhiều mầu, khâu ghép thành nhiều múi, bên trong những múi vải là các hạt giống. Xung quanh quả còn có tua và một đuôi vải dài để cầm ném. Khi chơi, người chơi đưa quả còn ra đằng sau, chân hơi nhún xuống để tạo đà rồi đứng thẳng lên ném ra đằng trước, sao cho quả còn chui qua được vòng tròn trên đỉnh cột làm rách giấy màu đầu tiên được xem là người may mắn, chơi giỏi. Nếu như trong nhóm chơi có đôi nam nữ nào đó có tình ý với nhau, họ lén trao ánh mắt và ném quả còn về phía người mình thương, mong cho người ấy đón được, nhận lấy như nhận nỗi niềm giấu kín mà người tung còn muốn trao gửi. Họ quan niệm, hội năm nào có nhiều đôi tung bắt ăn ý, ném được nhiều lần qua vòng tròn là năm đó mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Trò chơi ném còn ở lễ hội thu hút rất đông nam, nữ thanh niên tham gia và thời gian của trò chơi kéo dài đến hết ngày hội.
Trong những năm gần đây, ở LHKH, ngoài tổ chức các trò chơi dân gian còn có nhiều hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú như: hát đối, thi séc bùa, ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc Mường, thi đấu bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc. Mỗi trò chơi, mỗi hoạt động văn nghệ, thể thao đều thu hút được đông đảo người dân đến LHKH, tạo không khí sôi động, náo nhiệt của ngày xuân.