Sức hút của ngành quản trị nhân lực

Muốn vận hành và hoạt động hiệu quả, bất cứ đơn vị, công ty, DN nào cũng phải bảo đảm tốt nhất về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng nên ngành quản trị nhân lực ngày càng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với người học.

Quản trị nhân lực - ngành học về cách dùng người

Quản trị nhân lực (hay quản lý nhân sự) là ngành học chuyên đào tạo các kiến thức và kỹ năng về quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức, DN. Quản trị nhân lực đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như thu hút, đào tạo, tuyển dụng, đánh giá và sắp xếp nhân viên phù hợp với vị trí công việc; đồng thời giám sát, lãnh đạo và bảo đảm tuân thủ các quy định về luật lao động và quyền lợi của nhân viên. Tất cả những công việc trên đóng góp vào việc xây dựng và duy trì một đội ngũ nhân lực chất lượng, hỗ trợ cho sự thành công và bền vững của đơn vị, tổ chức.

Theo học ngành quản trị nhân lực, sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; các kiến thức nền tảng về kinh doanh, quản trị và vận hành DN/tổ chức như quản trị học, quản trị chiến lược, quản trị văn phòng, quản trị vận hành, quản trị marketing, quản trị bán hàng, quản trị tài chính, khởi nghiệp…

Cùng với đó, sinh viên cũng được cung cấp những kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực nhân sự thông qua các môn học: quản trị nguồn nhân lực, định mức lao động tiền lương, an toàn lao động, Luật Lao động, hành vi tổ chức, nghệ thuật lãnh đạo, quản trị nhân lực trong môi trường đa văn hóa…

Ngành quản trị nhân lực có sức hấp dẫn đặc biệt với học sinh, sinh viên. Ảnh: Nam Du

Ngành quản trị nhân lực có sức hấp dẫn đặc biệt với học sinh, sinh viên. Ảnh: Nam Du

Các kiến thức này sẽ giúp người học có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp quản trị nhân lực; từ khâu hoạch định đến thu hút, tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đến động viên, đãi ngộ, đánh giá nhân sự với kỹ năng giao tế nhân sự chuyên nghiệp và biết thực hiện các chính sách quản lý nguồn nhân lực cho các tổ chức, DN.

Học sinh có niềm yêu thích với ngành quản trị nhân lực có thể đăng ký xét tuyển qua nhiều phương thức khác nhau mà các trường đại học nêu trong đề án tuyển sinh của đơn vị, phổ biến như: xét tuyển sớm, xét tuyển kết hợp, xét học bạ…

Với phương thức xét tuyển thông qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể lựa chọn nhiều tổ hợp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, gồm: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01: toán, văn, tiếng Anh; D07 (toán, hóa, tiếng Anh...). Hiện có khá nhiều cơ sở đại học đào tạo và tuyển sinh ngành này, phổ biến như: Đại học (ĐH) Công đoàn, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Lao động xã hội, ĐH Thương mại…

Nhiều hấp dẫn

Các chuyên gia tuyển sinh chỉ ra rằng, có rất nhiều lý do mà sinh viên nên chọn ngành quản trị nhân lực; trong đó, yếu tố quan trọng nhất là nhu cầu về nhân lực của ngành này ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của các DN. Mỗi năm, có hàng nghìn DN tuyển dụng nhân sự ngành quản trị nhân lực, do vậy, cơ hội việc làm ngành quản trị nhân lực rất rộng mở, phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên.

Quản trị nhân lực cũng được xác định là một trong nhóm ngành có mức thu nhập hấp dẫn. Mức lương trung bình của lao động ngành này hiện nay dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng (tùy theo vị trí công việc và kinh nghiệm làm việc). Với những người có trình độ cao và kinh nghiệm dày dặn, mức lương có thể lên tới 30 - 40 triệu đồng/ tháng hoặc hơn.

Ngoài tiêu chuẩn thường thấy của nhiều ngành nghề hiện nay, quản trị nhân lực cũng có một số yêu cầu riêng. Cụ thể, công việc này thường xuyên xử lý các thông tin nhạy cảm về nhân viên và tổ chức như tuyển dụng, đào tạo, phụ cấp, tiền lương...; nên người học và làm về quản trị nhân lực cần có tính trung thực, đạo đức, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến lao động và nhân quyền; làm cơ sở để tạo ra một môi trường làm việc công bằng và đáng tin cậy cho nhân viên.

Sự nhạy bén giúp người học ngành quản trị nhân lực có thể hiểu rõ tâm lý, tính cách, nhu cầu của nhân viên, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp cho các vấn đề liên quan đến nhân sự. Việc ứng xử xã hội cũng giúp người học ngành quản trị nhân lực có thể giao tiếp hiệu quả với nhiều đối tượng khác nhau.

Người làm quản trị nhân lực cần có thái độ kiên nhẫn, biết lắng nghe mọi người, hiểu động cơ của họ và tìm ra giải pháp thỏa đáng cho tất cả các bên. Sự đồng cảm cho phép người quản trị nhân lực xây dựng mối quan hệ tin cậy với nhân viên, giải quyết các vấn đề nhân sự một cách hiệu quả và tạo ra một môi trường làm việc tích cực, lành mạnh, nhiều động lực. Người làm quản trị nhân lực cũng phải có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và thích ứng với những thay đổi để luôn đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức.

Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo cũng là tiêu chí quan trọng với người làm công tác nhân lực. Điều này cho phép họ thúc đẩy sự phát triển cá nhân và chuyên môn của nhân viên, xây dựng một môi trường làm việc tích cực, lành mạnh, thúc đẩy sự cống hiến của nhân viên cho DN. Họ cần có khả năng tạo ra mục tiêu và hướng dẫn nhân viên đạt được những mục tiêu đó; đồng thời biết lắng nghe và giao tiếp hiệu quả, xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên, khám phá và phát triển tài năng bên trong đội ngũ.

Ngành quản trị nhân lực không chỉ giới hạn trong các DN mà còn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế,… của cả đơn vị Nhà nước và tư nhân. Đây là ngành học mang tính ứng dụng cao, giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm.

Người tốt nghiệp ngành quản trị nhân lực có thể xin việc tại các bộ phận hành chính, văn phòng của các công ty, DN, tập đoàn kinh tế và cả các trường cao đẳng, ĐH cùng nhiều ngành nghề khác. Với nhiều ưu điểm, ngành quản trị nhân lực dự báo là một trong những ngành thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), mức tăng trưởng việc làm dành cho các nhà quản trị nhân lực tại Mỹ dự kiến sẽ tăng 5,2% đến năm 2032, nhanh hơn so với mức tăng trưởng dự kiến cho tất cả các ngành nghề. Theo đó, các vị trí liên quan đến chuyên môn, khoa học và kỹ thuật có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Cũng theo BLS, mức lương trung bình hàng năm đối với vị trí quản trị nhân lực có bằng cử nhân là 130.000 USD.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/suc-hut-cua-nganh-quan-tri-nhan-luc.html