Sức hút của then

Hát then và cây đàn tính là một trong những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày và Nùng, Thái ở vùng Đông Bắc. Những âm thanh của đàn tính, tiếng sóc nhạc đã gắn bó và ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ. Đó không đơn thuần là nghệ thuật, mà còn là nghi lễ tâm linh thiêng liêng.

Then văn nghệ ngày càng có sức hút trong đời sống.

Chan chứa lời ca huyền diệu

Tiếng trầm bổng phát ra từ cây đàn tính quyện với những lời ca, tiếng hát như đưa ta vào một không gian hư ảo, huyền bí, thế giới của thần tiên đầy bí ẩn. Mùa xuân, khi hoa đào, hoa mai đã khoe sắc khắp các sườn đồi, thời điểm mà sắn, ngô đã xong mùa thu hoạch, cũng là lúc đồng bào các dân tộc trong vùng tổ chức các nghi lễ hát then đàn tính.

Những âm điệu thiết tha ấy lại được ngân lên giữa núi ngàn. Đi khắp các bản làng vùng núi rừng từ Yên Thế sang Lạng Giang, ngược Lục Ngạn lên Sơn Động của tỉnh Bắc Giang, chúng ta như đắm chìm trong những không gian chứa chan đầy lời ca, tiếng nhạc huyền diệu.

Bắc Giang là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc Tày - Nùng sinh sống, họ cư trú chủ yếu ở những vùng núi cao. Điền dã thực tế tại một số bản có nhiều dân tộc Tày, Nùng tại huyện Lạng Giang và Lục Ngạn, chúng tôi được các nghệ nhân ở đây cho biết: Then có nhiều hình thức như: Then bách thú (trăm loài thú), then bách điểu (trăm loài chim), then bách cốc (trăm thứ ngũ cốc), then bách va (trăm thư hoa)…

Đồng bào thực hành then vào các mục đích khác nhau như: Lễ cầu an, giải hạn, cầu tự, cầu mùa, cầu đảo, diệt trùng, mừng nhà mới, mừng sinh nhật, cấp sắc...

Bà con vững tin các ông then, bà then sẽ thỉnh lời cầu xin tới các đấng Thần, Phật, Ngọc Hoàng. Lời then lúc thủ thỉ, sôi động, lúc lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Mỗi đoạn một tâm trạng, một sắc thái. Có khi căng thẳng, lo lắng, có khi hồ hởi, vui tươi, tiếng đàn tiếng hát quyện với nhau lung linh huyền diệu.

Bên cạnh then nghi lễ còn có then văn nghệ là những làn điệu then được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống để truyền tải tâm tư, tình cảm của người hát.

Loại hình nghệ thuật biểu diễn

Được dự một buổi thực hành nghi lễ then của Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân, dân tộc Nùng, bản Hố Ca, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, chúng tôi như được đắm mình vào những huyền thoại đầy hư ảo.

Nghệ nhân Vân chia sẻ: Lời ca trong nghi lễ then chủ yếu là kể về một hành trình đầy gian nan vất vả vượt qua nhiều thử thách của một đội quân đầy dũng mãnh, quả cảm. Đội quân này có tướng chỉ huy, có quân lính được trang bị vũ khí tinh nhuệ và ngựa chiến. Sau khi thầy then soi hương xin phép thần thánh, tổ tiên thầy sẽ hóa thân theo gió, mây cùng các binh lính lên đường.

Trên đường đi họ phải trải qua rất nhiều thử thách cam go, mỗi một chặng đường lại gặp những thử thách khác nhau. Ví dụ như, có chặng đường gặp cướp phải đánh trả quyết liệt. Có lúc lại phải băng rừng, vượt suối, vượt biển, lúc hết lương thực phải săn bắt thú rừng làm thức ăn.

Có lúc đội quân gặp những hoàn cảnh khốn khó lại dang tay giúp đỡ… Đôi khi đoàn quân cũng phải vượt qua những cám dỗ, ham muốn của bản thân.

Qua mỗi một chặng đường thầy then lại có những cung đàn, giọng hát khác nhau thể hiện sao cho phù hợp với từng tình huống gặp phải. Ví như khi gặp phải thân phận khốn khó, éo le cần giúp đỡ thì sử dụng giọng hát ngọt ngào, yêu thương, chứa chan tình cảm.

Khi đi săn thú rừng thì giọng hát mau lẹ, khỏe khoắn, hùng dũng. Khi cầu xin người lái đò vượt biển giọng hát lại tha thiết níu kéo. Để giúp việc cho thầy then có những người đi nhạc ngựa. Nhạc ngựa là một vòng được làm bằng nhiều móc sắt hoặc đồng nối với nhau và quả nhạc.

Tiếng sóc nhạc biểu tượng cho đoàn quân đang hành quân. Người đi nhạc ngựa điều khiển tiếng nhạc sao cho phù hợp với tiếng đàn, lời hát của bà then, phù hợp với từng tình huống mà đoàn quân gặp phải.

Khi đoàn quân đi đến đoạn đường cần phải phóng ngựa nhanh, thì tiếng nhạc ngựa rộn rã, gấp gáp thậm chí là người đi nhạc ngựa còn đứng hẳn lên nhảy múa.

Bên cạnh then nghi lễ thì then văn nghệ đã và đang trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn quen thuộc, tạo sức sống lâu bền. Đây là phương tiện truyền tải mong ước, kỳ vọng của con người về việc thay đổi hiện thực cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Then đến với người dân nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng như gợi nguồn cảm hứng nghệ thuật bằng những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian. Đó cũng là sự kết tụ nhiều dòng cảm xúc của con người. Do vậy, khi then ra đời đã gần gũi và được nhiều thế hệ người Tày - Nùng ngưỡng mộ, yêu thích và tồn tại trong đời sống tinh thần của họ bao đời nay.

Then có sức lôi cuốn kỳ lạ, khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, sự cực nhọc vất vả trong cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp, hoàn thiện.

Gắn liền với cây đàn tính

Tại Bắc Giang, ngành văn hóa tỉnh đã thống kê được 31 nghệ nhân làm then. Toàn tỉnh có 7 CLB hát then với 52 thành viên thường xuyên tham gia thì Sơn Động có 3 CLB với 37 người.

Nói đến hát then, chúng ta không thể không nói đến cây đàn tính - một nhạc cụ không thể thiếu trong nghệ thuật hát then. Trong kho truyện cổ của dân tộc Tày, Nùng ở vùng đất này còn lưu giữ nhiều cổ tích về cây đàn tính còn âm vang mãi trong lòng nhiều thế hệ.

Truyện kể rằng: Thuở ấy, ở một vùng núi nọ có chàng trai tên là Xiên Cân đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ. Một ngày nọ chàng ra suối lấy nước, nhìn xuống mặt nước thấy mình đã già đi nhiều quá, chàng buồn chán vì duyên số hẩm hiu, và chỉ còn có cây đàn làm bạn.

Xiên Cân lên trời xin hạt giống cây dâu (Nàng Dâu) để trồng, khi cây dâu lớn lên, cành lá tươi tốt, đám tằm cũng miệt mài nhả tơ: Tằm liền đan thành kén/Xiên Cân tìm cây đóng guồng sợi/Quay guồng tiếng suốt kêu/Chỉ tơ kéo không đứt/Sợi trắng vàng óng ánh/Lòng Xiên Cân hớn hở.

Sau rồi Xiên Cân lại lên trời xin cây bầu về làm giống gieo trồng: Ba hôm sau nảy mầm/Sáu hôm sau nảy lá/Tháng Bảy nở đầy hoa/Cây nào cũng đầy quả. Khi đã có dây tơ và quả bầu, Xiên Cân lên nương kiếm cây khảo hương để làm cần bầu và sừng đàn. Vậy là anh làm thành một chiếc đàn có 12 dây tơ. Mỗi khi buồn anh lại mang đàn ra gảy và hát say sưa.

Xiên Cân gảy đàn hay đến nỗi: Muôn loài đều say mê, héo hon vì tiếng đàn. Thấy vậy Bụt sai người xuống hỏi tội Xiên Cân. Xiên Cân nói: Tôi đã nhiều tuổi rồi nhưng vẫn chưa được lấy vợ nên tôi chỉ còn biết lấy cây đàn này làm bạn cho vui tháng ngày. Như vậy tôi mắc tội gì? Bụt nghe xong thấy cảm thương cho Xiên Cân.

Nhưng rồi xét thấy nếu cứ để như vậy thì mỗi khi nghe tiếng đàn của anh cất lên muôn loài ở trần gian sẽ quên ăn mà chết, vì vậy bắt Xiên Cân phải bỏ bớt 9 dây đàn đi và chỉ được để lại 3 dây. Tuy đã bị cắt đi 9 dây, song sức hấp dẫn của tiếng đàn tính vẫn còn rất lớn. Đặc biệt mới đây UNESCO đã ghi danh thực hành then của người Tày, Nùng, Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiến Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/suc-hut-cua-then-4062077-b.html