Sức hút đầu tư từ tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận
Sở hữu đường bờ biển dài và nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cùng với nguồn tài nguyên đa dạng nên Bình Thuận là địa phương có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Thực tế cũng cho thấy qua các Hội nghị Xúc tiến đầu tư mang tầm quốc gia, Bình Thuận đã mời gọi nhiều dự án quy mô nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế cũng như góp phần tạo đà phát triển tương xứng cho tỉnh nhà…
Tiềm năng vẫy gọi…
Theo thời gian, dải đất duyên hải cực Nam Trung bộ đã chứng minh tiềm năng và lợi thế từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cho đến định hướng phát triển phù hợp xu hướng hiện nay. Đó là vùng biển tiếp giáp đường hàng hải quốc tế với bờ biển dài 192 km, có số giờ gió lẫn bức xạ nhiệt cao và ổn định vì vậy rất thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng “sạch”. Riêng với tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi, Bình Thuận có ưu thế về tốc độ gió và độ sâu mực nước biển thuận lợi hơn so các địa phương khác. Và đây cũng là một trong những ngư trường lớn nhất nước, không những đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy hải sản tập trung quy mô lớn mà còn phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Trong khi tài nguyên đất có diện tích còn khá rộng với hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nối mạng phủ kín, địa phương cũng cho thấy tiềm năng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, Bình Thuận có 9 khu công nghiệp được Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch phát triển với tổng diện tích hơn 3.000 ha, đến nay 6 khu công nghiệp đang hoàn chỉnh hạ tầng, thu hút nhiều dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh… Đặc biệt với lĩnh vực du lịch, với chặng đường hình thành và phát triển chỉ hơn 1/4 thế kỷ nhưng đã có những bước tiến dài, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng được cấp thẩm quyền công nhận với diện tích khoảng 14.760 ha, trải dài ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến phường Phú Hài (TP. Phan Thiết). Qua đó làm cơ sở để Bình Thuận tập trung quảng bá hình ảnh, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch tương xứng tiềm năng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả theo hướng tăng trưởng xanh…
Từ tiềm năng và lợi thế của mình, Bình Thuận định hướng phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột chính: Công nghiệp (năng lượng, chế biến) - Du lịch - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cũng nhờ đó mà thời gian qua, địa phương còn được Trung ương định hướng thu hút đầu tư hình thành trung tâm du lịch - thể thao biển, trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan…
Sức hút đầu tư
Để góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ, thời gian qua Bình Thuận rất chú trọng công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện địa phương. Nổi bật là đã phối hợp tổ chức thành công liên tiếp 2 Hội nghị Xúc tiến đầu tư trước thời điểm dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát (năm 2017 và 2019), qua đó mời gọi hàng loạt dự án quy mô đăng ký triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại sự kiện này UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 29 dự án có tổng mức đầu tư 55.040 tỷ đồng, ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư 33 dự án với tổng vốn khoảng 517.778 tỷ đồng.
Sức hút từ tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận không những thuyết phục các nhà đầu tư đưa dự án quy mô lớn về địa phương mà còn được doanh nghiệp hưởng ứng, đồng hành cùng phát triển. Như Tập đoàn Novaland đã từng tài trợ McKinsey - đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới thực hiện nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển du lịch Bình Thuận. Bởi nhà đầu tư này rất tin tưởng vào thế mạnh của địa phương với mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành điểm đến du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí hàng đầu trong khu vực, góp phần ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới… Còn đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương - đơn vị đầu tư dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa (tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng) cho biết đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan ở địa phương. Nhờ đó dù khởi công dự án trong bối cảnh dịch Covid - 19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, nhưng Nhà máy điện gió Thái Hòa vẫn hoàn thành phát điện thương mại cho toàn bộ 18 tua - bin trước thời hạn 31/10/2021 theo quy định của Chính phủ. Được biết Tập đoàn Thái Bình Dương hiện cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm nhiều dự án tiềm năng trên lĩnh vực phong điện tại Bình Thuận…
Theo số liệu thống kê tính đến hết quý I/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 1.600 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích đất hơn 50.000 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký hàng trăm ngàn tỷ đồng. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian đến khi mà nhiều dự án có nguồn vốn rất lớn tiếp tục được cấp phép đầu tư, đặc biệt là trên lĩnh vực khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi của Bình Thuận. Được biết, hiện có 8 dự án điện gió ngoài khơi được các nhà đầu tư đăng ký với tổng công suất khoảng 22.000 MW, chỉ tính dự án Điện gió ngoài khơi Thang Long Wind công suất 3.400 MW đã có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD.
Thêm cơ hội mới
Song song với tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, ngành chức năng của tỉnh cũng tích cực phối hợp các địa phương liên quan tiến hành rà soát tiến độ thực hiện dự án. Qua đó nắm bắt tình hình triển khai, nguyện vọng của nhà đầu tư hoặc những khó khăn, vướng mắc của dự án để kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo tham mưu tháo gỡ, nhất là đối với những trường hợp chồng lấn khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản titan… Đối với dự án chậm tiến độ do yếu tố chủ quan từ nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư.
Khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Bình Thuận cũng bước vào giai đoạn bình thường mới với nhiều cơ hội trong kêu gọi thu hút dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Cụ thể là hệ thống giao thông đối ngoại dần được hoàn thiện, trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía đông) đoạn qua Bình Thuận sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng có thể xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà vươn lên. Trong khi đó, Cảng quốc tế Vĩnh Tân tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư sẽ tạo động lực phát triển hệ thống dịch vụ logistics nhằm kết nối và lưu thông hàng hóa cho cả đường bộ - đường biển - đường sắt. Năm nay trên địa bàn tỉnh còn có Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 và Khu công nghiệp Tân Đức được khởi công xây dựng hạ tầng cũng tạo điều kiện cho Bình Thuận đón thêm những dự án đầu tư mới tại phía nam Bình Thuận…
Cùng với đó, Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã được ban hành. Đây sẽ là cơ sở để Bình Thuận tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư theo định hướng, tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của địa phương trong giai đoạn sắp tới.