Sức hút Đông Nam bộ
Không chỉ tạo sức hút về đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, Đông Nam bộ đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ với những sự kiện, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, ẩm thực, du lịch của vùng đất phương Nam.
Là vùng đất mới với hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đông Nam bộ là nơi hội tụ các giá trị về văn hóa, lịch sử và con người mang hào khí miền Đông đầy năng động, nhiệt huyết. Trong sự hội tụ đó, mỗi địa phương đã tạo được những sắc thái riêng từ những dấu ấn văn hóa, lịch sử, ẩm thực. Sự đa văn hóa đã tạo nên vùng đất Đông Nam bộ có sức hút cả về kinh tế lẫn văn hóa, du lịch và ẩm thực.
* Du lịch xanh và các lễ hội ở miền Đông
Đông Nam bộ là một trong 7 vùng du lịch của Việt Nam. Đây là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với những lợi thế rừng, biển, sông, hồ, có hệ đa dạng sinh học khá phong phú với hàng ngàn loài động - thực vật quý hiếm được bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, Đông Nam bộ còn là cái nôi truyền thống cách mạng với những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: địa đạo Củ Chi, Trung ương Cục miền Nam, Khu căn cứ Chiến khu Đ… và rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử; làng nghề truyền thống…, tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển…
Trong xu hướng phát triển du lịch xanh và bền vững, Đông Nam bộ đang trở thành điểm đến hấp dẫn với những trải nghiệm du lịch biển tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu với đa dạng hệ thống nghỉ dưỡng ven biển từ bình dân đến cao cấp; hay như trải nghiệm du lịch sinh thái rừng, du lịch vườn, du lịch trải nghiệm nông nghiệp - nông thôn tại TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhận định, khu vực Đông Nam bộ có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử như: Vườn quốc gia Cát Tiên, các di tích cách mạng, nhà lao trên địa bàn TP.Biên Hòa; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát của tỉnh Tây Ninh; hay như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh…
Theo Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN, Đồng Nai đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30-12-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Theo nghị quyết, du lịch Đồng Nai sẽ xây dựng 3 sản phẩm chính về du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp - nông thôn. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, gắn kết các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với các điểm du lịch.
Bà Trần Thị Tường (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, bà từng tham gia cùng CLB hưu trí đi tham quan nhiều điểm đến về lịch sử cách mạng, những chuyến du lịch khám phá biển, du lịch vườn tại các vùng quê của một số tỉnh vùng Đông Nam bộ. Không đủ sức khỏe để đi xa hơn như khi còn trẻ nên các tour tham quan của CLB chỉ trong 1-2 ngày. Thế nhưng, bà vẫn chưa bao giờ bị nhàm chán khi đi du lịch gần.
Theo bà Tường: "Miền Đông là vùng đất giàu giá trị, từ văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đến du lịch tâm linh, du lịch công nghiệp… Có đi mới thấy Đông Nam bộ đẹp lắm. Tôi mong muốn ngày càng có thêm nhiều công ty du lịch khai thác các tour liên kết giữa các tỉnh, thành để người dân có thêm nhiều lựa chọn khi khám phá".
Không chỉ có rừng, biển, sông hồ và di tích…, Đông Nam bộ những năm gần đây đã có khá nhiều hoạt động du lịch qua các lễ hội, tuần lễ văn hóa… thu hút, kích cầu du khách. Những lễ hội của các tỉnh miền Đông Nam bộ được các địa phương cấu thành lên từ những sinh hoạt đời thường, từ đặc thù phát triển kinh tế vùng thu hút đông đảo lao động trong cả nước về sinh sống, lập nghiệp nên rất gần gũi, thu hút lượng khách du lịch khá lớn.
Một số địa phương có những sự kiện thu hút khách du lịch như: TP.HCM với các lễ hội sông nước, lễ hội áo dài, bánh mì…; hay Bà Rịa - Vũng Tàu với các hoạt động về biển rất phong phú; hoặc các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước với các hoạt động sự kiện liên quan đến du lịch sinh thái rừng, nông nghiệp, nông thôn….
* Đa dạng sản phẩm du lịch liên kết vùng
Theo các chuyên gia du lịch, vùng Đông Nam bộ có rất nhiều lợi thế mà ít nơi nào sánh được trong liên kết phát triển các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, thời gian gần đây, Đông Nam bộ được sự quan tâm, thúc đẩy phát triển từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan, cụ thể là Nghị quyết 24 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ với đầu tàu là TP.HCM dẫn dắt. Từ đó cho thấy, khả năng liên kết phát triển du lịch sẽ thành công rất cao.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mỗi tỉnh, thành Đông Nam bộ có một điểm xuất phát, một thế mạnh riêng. Đây sẽ là cơ hội để Đông Nam bộ xây dựng những sản phẩm du lịch liên kết đa dạng, phong phú, thu hút du khách. Chẳng hạn như: TP.HCM với tiềm năng phát triển kinh tế đêm; du lịch tàu hỏa xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương và kết thúc sau những trải nghiệm đáng có của miền Đông. PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, để phát triển du lịch, mỗi địa phương phải biết điều kiện của mình và đặt ngành du lịch trong cuộc đua toàn vùng, cả nước và thậm chí toàn cầu, chứ không phải chỉ là cuộc đua của tỉnh, thành mình.
Tại một sự kiện du lịch ở vùng Đông Nam bộ, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, vùng Đông Nam bộ cần đánh giá đầy đủ tiềm năng, thực trạng du lịch để từ đó có những bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ, phát triển bền vững hơn. Các sản phẩm du lịch cao cấp và chất lượng cao phải được phát triển cho cả vùng Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ hiện vẫn chưa khai thác được hết các tiềm năng du lịch, phát triển chưa xứng tầm; công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá chưa thật sự hiệu quả, sâu rộng; một phần do còn thiếu sản phẩm du lịch mới mẻ, sáng tạo, hấp dẫn và chất lượng; đặc biệt là cần chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường…
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành nhanh chóng triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững với phương châm “trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng thành các khu du lịch quốc gia thông qua kết nối hạ tầng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, chất lượng cao.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202311/suc-hut-dong-nam-bo-81665bb/