Sức hút du lịch cộng đồng

Huyện Đà Bắc có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nổi bật là hồ Hòa Bình thơ mộng với nhiều đảo lớn, nhỏ. Ẩn mình giữa núi rừng, sông nước là những xóm, bản của đồng bào các dân tộc: Mường, Dao, Tày. Đó là tiềm năng, thế mạnh để Đà Bắc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Khách du lịch trải nghiệm đua thuyền kayak tại điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc).

Khách du lịch trải nghiệm đua thuyền kayak tại điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc).

Du lịch cộng đồng khởi đầu từ sự giúp đỡ của tổ chức AFAP Việt Nam (tháng 7/2014) với sự hỗ trợ về tài chính, tư vấn kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án, tư vấn cải tạo nhà lưu trú, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho một số hộ dân tại xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đá Bia (nay là xóm Đức Phong), xã Tiền Phong và xóm Sưng, xã Cao Sơn.

Huyện xác định phát triển DLCĐ góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, giai đoạn 2015 - 2019, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 6/2/2015 của Huyện ủy về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện có gần một nửa phân khu, điểm du lịch nằm trong khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình là lợi thế để DLCĐ vươn tầm cao mới. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và Nhân dân về tầm quan trọng của DLCĐ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Nghiêm túc xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch...

Sau 5 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân các xóm, bản, DLCĐ Đà Bắc đã có sức hấp dẫn đối với du khách. Chị Bùi Thị Nhềm, một trong những người đầu tiên làm DLCĐ ở Đá Bia chia sẻ: Nhờ DLCĐ mà từ một nơi ít người biết đến thì nay, Đá Bia trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam. Người dân luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường qua nếp nhà sàn, làn điệu dân ca Mường, trình diễn chiêng Mường. Du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng người dân như: nuôi cá lồng, bắt cá, đi rừng, chèo thuyền kayak… Chủ và khách cùng vào bếp chế biến những món ăn truyền thống của người Mường như: cá nướng, gà nấu măng chua, xôi ngũ sắc. Khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng, mọi người tay trong tay nhảy sạp, uống rượu cần.

DLCĐ đem lại nguồn thu chính cho bà con, nhiều hộ có cuộc sống khá giả từ đây. Năm 2019, toàn huyện đã đón 90.000 lượt khách, trong đó, khách nội địa 86.000 lượt, khách quốc tế 4.000 lượt; doanh thu từ du lịch đạt 20,5 tỷ đồng. Hiện, toàn huyện có 22 cơ sở lưu trú, gồm: 7 nhà nghỉ, 1 điểm lưu trú tại đảo Dừa, xã Vầy Nưa; 1 điểm du lịch homestay hồ Tằm, xã Cao Sơn; 13 hộ làm DLCĐ tại các xã: Hiền Lương, Cao Sơn, Tiền Phong. Huyện đang phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL khảo sát, hướng dẫn các điểm DLCĐ: Đá Bia - xã Tiền Phong, xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Sưng - xã Cao Sơn nâng cao chất lượng dịch vụ để tham gia Chương trình OCOP năm 2020.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/144098/suc-hut-du-lich-cong-dong.htm