Sức hút lớn từ mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn
Các trung tâm thương mại quy mô lớn (mega-mall) tạo được chuỗi khách hàng thuê và mua sắm trung thành. Mô hình này đang có sức hút đáng kể với các nhà đầu tư.
Dồn lực mở rộng
Hiện mảng đầu tư vào trung tâm thương mại (TTTM) quy mô lớn từ 100.000 m2 sàn trở lên đang thu hút sự quan tâm và nguồn lực của nhiều gương mặt cả trong và ngoài nước.
Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cấp cao dịch vụ cho thuê thương mại Savills Việt Nam, mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn đang giữ sức hút. Bằng chứng là tại TP.HCM và Hà Nội, mỗi thành phố có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê luôn duy trì công suất hoạt động trên 90% trong nhiều năm qua.
Mới đây, toàn bộ TTTM Aeon Mall Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chuyển nhượng cho Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam. Dự án có tổng diện tích 10,5 ha, vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng, thuộc khu đất thương mại dịch vụ Khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa. Dự án hoạt động 50 năm, mục tiêu trở thành TTTM dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại điện tử hiện đại, đa chức năng...
Hiện Aeon có 9 TTTM Aeon Mall hoạt động, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và TP.HCM. Aeon sẽ phát triển khoảng 20 TTTM tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị và vui chơi giải trí.
Mô hình mega-mall đang giữ sức hút. Tại thị trường TP.HCM và Hà Nội, mỗi thành phố có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê luôn duy trì công suất hoạt động trên 90%.
Trong khi đó, một tên tuổi bán lẻ nổi tiếng của Thái Lan là Central Retail cũng liên tục mở rộng mạng lưới cửa hàng và độ phủ. Để linh hoạt thích ứng nhu cầu đa dạng của người dùng, Central Retail xây dựng 3 hình thức bán lẻ thực phẩm gồm đại siêu thị, siêu thị trung tâm thành phố và siêu thị ngoại ô.
Đầu năm ngoái, Central Retail công bố kế hoạch đầu tư dài hạn với 50 tỷ baht (tương đương 1,43 tỷ USD). Sau 5 năm trở thành nhà bán lẻ đa kênh hàng đầu Việt Nam, Central Retail tham vọng đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ baht (khoảng 4,3 tỷ USD) vào năm 2027. Kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam của Central Retail còn có mục tiêu tăng gấp đôi số cửa hàng lên 600, có mặt tại 57/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Ông Olivier Langlet, Tổng giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam nhận định, dân số Việt Nam vượt ngưỡng 100 triệu người, cùng sự phát triển các kênh phân phối bán hàng hiện đại, lượng du khách quốc tế ngày càng tăng... là những yếu tố khiến Central Retail tự tin tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Mặt khác, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam thuộc đà tăng trưởng nhanh hàng đầu Đông Nam Á. Đây là nhóm nhân khẩu học quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến ngành bán lẻ trong nước.
“Đây là cơ hội để chúng tôi khai thác phân khúc người tiêu dùng đang phát triển này. Ngoài ra, dân số trẻ bùng nổ nhanh chóng, củng cố thêm tiềm năng thị trường trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của chúng tôi”, ông Olivier Langlet cho biết.
Đầu năm nay, Central Pattana - công ty thuộc tập đoàn Central Group cũng thành lập pháp nhân mới tại Việt Nam với tên gọi Công ty TNHH CPN Global Việt Nam. Tháng 3/2023, Giám đốc điều hành Central Pattana, ông Wallaya Chirathivat tiết lộ sẽ đầu tư các siêu dự án (mega projects) trong thời gian 5 - 10 năm. Mỗi dự án rộng hơn 350.000 m2, mức đầu tư hơn 20 tỷ baht (khoảng gần 14.000 tỷ đồng) mỗi dự án.
Trong khi đó, chỉ trong tháng 6/2024, đại diện bán lẻ trong nước là Vincom Retail khai trương liền 3 TTTM tại 3 tỉnh, thành phố là Vincom Megamall Grand Park tại Thủ Đức (TP.HCM), Vincom Plaza Điện Biên Phủ và Vincom Plaza Hà Giang. Sắp tới sẽ khai trương Vincom Plaza Bắc Giang.
Vincom Retail chia sẻ, các TTTM này đã thu hút được lượng khách thuê lớn, tỷ lệ lấp đầy tối thiểu đạt 90%.
Các doanh nghiệp nội khác cũng không bỏ qua thị trường bất động sản bán lẻ. Tập đoàn Trường Hải (Thaco) tiết lộ, mục tiêu đến năm 2026, Thaco sẽ mở rộng hệ thống lên 14 địa điểm trải dài từ Bắc tới Nam, trở thành tập đoàn thương mại - dịch vụ hàng đầu và đưa Thiso Retail - Emart Việt Nam trở thành thương hiệu đại siêu thị có thị phần số một tại Việt Nam.
Sau thành công từ Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza với diện tích sàn thương mại 30.000 m2 cũng được ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO đưa ra thị trường.
Cần tầm nhìn bền vững
Bà Từ Thị Hồng An nhận định, đối với các chủ đầu tư trong nước thì thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết về người tiêu dùng cũng như quỹ đất hiện có của chủ đầu tư. Còn về phía chủ đầu tư nước ngoài, họ cũng có những điểm mạnh và chiến lược riêng. Điển hình như Aeon, Central Retail là đơn vị đầu tư bán lẻ lâu năm và có tiếng trong thị trường khu vực, khi vào thị trường Việt Nam vẫn giữ thế mạnh danh tính đó.
Trong bán lẻ thì uy tín và kinh nghiệm đóng vai trò lớn trong việc phát triển và vận hành. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư Việt Nam, thế mạnh chủ yếu là quỹ đất đang có.
Bên cạnh những tiềm năm phát triển hấp dẫn, có nhiều yếu tố quan trọng các nhà phát triển cần chú ý để các TTTM vững vàng trong môi trường bán lẻ nhiều biến động hiện nay.
Theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất trong việc phát triển, vận hành những TTTM quy mô lớn là chiến lược và tầm nhìn hoạt động lâu dài. Điều này xuất phát không chỉ từ kế hoạch phát triển ban đầu, mà còn ở chiến lược marketing, chiến lược cho thuê. Để đi đường dài, doanh nghiệp cần nhất quán trong chiến lược phát triển, chiến lược marketing, chiến lược cho thuê...
Qua nghiên cứu mô hình hoạt động của các TTTM, các chuyên gia Savills cũng nhận thấy có sự dịch chuyển trong ngành hàng để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Đó là sự gia tăng tỷ trọng các ngành hàng về ăn uống, trong khi đó, ngành hàng thời trang và bán lẻ có xu hướng giảm.
“Sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng khác đối với mảng thời trang, cũng có tỷ lệ tăng hơn về mảng giải trí, chăm sóc sức khỏe ở trong một số TTTM. Điều này phản ánh nhu cầu thực tế của người dùng đối với các dịch vụ được cung cấp tại các TTTM ở nhiều khu vực khác nhau”, đại diện Savills chia sẻ.