Sức hút mới từ âm nhạc hoài niệm
Không phải ngẫu nhiên mà công chúng nhiều thế hệ lại mê say, đắm đuối một ca khúc cũ
Không chỉ thời trang, âm nhạc cũng có vòng lặp, những ca khúc hit của vài thập kỷ trước, những "xúc cảm của sự hoài niệm" chưa bao giờ là lỗi thời.
Hiệu ứng "Cheri Cheri Lady"
Một trong những sự kiện nổi bật của nền âm nhạc thế giới năm 2023 là sự "sống lại" ca khúc "Cheri Cheri Lady" rất thịnh hành vào thập niên 1980-1990 của ban nhạc huyền thoại Modern Talking. "Cheri Cheri Lady" có giai điệu sôi động, kể về một chàng trai cô đơn luôn khao khát có được tình yêu cháy bỏng với người phụ nữ mà anh yêu.
Cộng đồng mạng đã dậy sóng với phiên bản cover "Cheri Cheri Lady" của giọng ca 16 tuổi Melena. Ca khúc được nhà sản xuất Tokionine remix với âm hưởng hiện đại nhưng vẫn giữ tinh thần của bản dance-pop ra đời gần 4 thập niên trước. Malena viết trên Instagram: "Tôi cover bản hit kinh điển ở châu Âu vì nghĩ bài hát sẽ gợi hoài niệm của nhiều người". Trên YouTube, đa số khán giả khen giọng hát Malena (quán quân "Junior Eurovision Song Contest" - Tiếng hát truyền hình châu Âu) ngọt ngào, phù hợp. Phiên bản của cô trở thành nhạc nền cho nhiều video TikTok, với hàng triệu lượt xem. Bản nhạc gốc cũng được tìm kiếm nhiều hơn trên nền tảng này, với vài trăm ngàn lượt ghép vào các video của người dùng.
"Nghe lại "Cheri Cheri Lady", rất xúc động, cảm xúc như được sống lại thời trẻ", "Nghe xong không kiềm chế được phải nhún nhảy theo điệu nhạc. Mình nghe đi nghe lại mấy chục lần không chán", "Lâu rồi mới nghe lại âm thanh ngọt ngào này, cảm giác rất hoài niệm", "Công nhận mix lại bản này nghe hay thật, vẫn giữ được phong cách disco thập niên 1980", "Biết và thích bài này nghe từ hồi nhỏ bây giờ cover lại nghe ma mị thật và nghiện giọng hát này rồi"… là những ý kiến của khán giả khi nghe lại "Cheri Cheri Lady".
Hiệu ứng "Cheri Cheri Lady" mở ra trào lưu chọn những bản hit của ký ức để biến tấu thành bản hit của hiện tại trên khắp thế giới, trong đó có thị trường nhạc Việt. Xu hướng này nhanh chóng gặt hái thành công khi sức hấp dẫn tự thân của ca khúc cộng thêm cảm xúc hoài niệm của người nghe. Những bản hit nhạc Âu Mỹ, Hoa ngữ, Hàn Quốc đến cả bản hit Việt "thanh xuân một thời" của khán giả bất ngờ "sống lại" đầy náo nhiệt ở thị trường nhạc Việt.
Đây cũng là lý do Ban Tổ chức đêm nhạc của nhóm Westlife tại Việt Nam quyết định ngoài đêm diễn 22-11, sẽ có thêm đêm diễn vào ngày 21-11, cũng tại sân vận động Thống Nhất, TP HCM. Westlife là nhóm nhạc đến từ Ireland, nổi tiếng hơn 20 năm trước, với những bản hit như "My Love", "I Lay My Love On You", "Soledad"… Sức hút của Westlife lớn đến mức từ cuối tháng 9-2023, toàn bộ 15.000 vé cho đêm diễn ngày 22-11 đã bán hết.
"Đêm diễn thêm vào ngày 21-11 sẽ là món quà dành tặng những trái tim yêu âm nhạc. Hy vọng khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức 2 đêm nhạc xứng đáng với sự chờ đợi suốt thời gian qua" - bà Đỗ Thu Giang, đại diện đơn vị tổ chức, bày tỏ.
Đến gần hơn với giới trẻ
Có thể nói, dòng nhạc hoài niệm đang trở thành xu hướng thưởng thức của nhiều khán giả yêu nhạc hiện nay. Do vậy, các nghệ sĩ cũng nhanh chóng làm mới lại nhạc xưa để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Có thể kể như dự án "Gen Z và Trịnh" không chỉ lan tỏa giá trị của âm nhạc Trịnh Công Sơn đến với giới trẻ nhiều hơn mà còn được sự chấp thuận từ chính gia đình cố nhạc sĩ. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - cho biết rất vui khi nhạc Trịnh bây giờ lại vang lên từ giọng ca của những người rất trẻ, đặc biệt là những MV này có lượt xem, nghe lớn và phổ biến trên các nền tảng YouTube, TikTok… "Tôi ủng hộ các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh và hãy cứ mạnh dạn ra mắt sản phẩm của mình. Dòng chảy âm nhạc phải luôn được tiếp nối qua các thế hệ!" - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nói.
Mới đây, ca khúc "Mùa thu cho em" cũng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn "trẻ hóa", nổi bật trong số đó là Juky San và Phương Mỹ Chi. Cùng cover tình khúc mùa thu của Ngô Thụy Miên nhưng 2 cô gái gen Z đã mang đến 2 tinh thần hoàn toàn khác nhau. Nếu Phương Mỹ Chi mang âm hưởng disco, tươi trẻ năng động vào bản phối mới thì Juky San lại hát trên nền nhạc cổ điển Chopin. Dù bằng cách nào thì ca khúc này cũng đã đến gần hơn với giới trẻ thông qua các bản cover.
Biến bài hát nổi tiếng cũ thành mới bằng tư duy âm nhạc hiện đại được đánh giá là cách làm khôn ngoan. AMEE đã chia sẻ khi cover "Em về tinh khôi": "Cảm giác được hát một ca khúc có tuổi đời còn lớn hơn tuổi của mình khá lạ và phấn khích. Tin rằng sẽ còn nhiều người trẻ làm mới các bài hát bất hủ theo cách ở thời đại của họ. Có như thế thì khán giả những thế hệ sau mới thấy được giá trị của những bài hát xưa cũ và những bài hát ấy mới sống mãi với thời gian".
Theo các nhà chuyên môn, việc thưởng thức lại những bản hit cũ với một tinh thần mới phần nào thỏa mãn nhu cầu giải trí. Những bản hit xưa đã quá an toàn về mặt chất lượng bởi sự bảo chứng của thời gian và đón nhận của công chúng. Việc remake/cover không chỉ dễ cho khán giả trong việc tiếp nhận mà còn dễ cho cả người làm (ca sĩ) khi không cần tốn nhiều chi phí, thời gian cho việc tìm kiếm một ca khúc hay.
Theo ca sĩ Phương Thanh, trào lưu cover chính là một giải pháp hiệu quả giải quyết tình thế không thể tìm được ca khúc hay như ý.
Chưa thể đoán trào lưu tìm về hoài niệm này sẽ đi được bao lâu nhưng rõ ràng đây là xu hướng thỏa mãn khán giả thời điểm hiện tại với quá nhiều ưu thế.
Nói về tính sáng tạo khi làm mới ca khúc có sẵn, ca sĩ Quang Dũng cho rằng: “Những bài hát cũ là một di sản văn hóa. Một nghệ sĩ trẻ như tôi phải giữ gìn, nâng niu, tôn vinh, lan tỏa các giá trị đó cho hôm nay, cho mai sau. Làm mới là nâng các giá trị đó lên, không phải làm méo mó nó đi”.
Phải đổi mới tư duy đào tạo nghệ thuật
Đào tạo nghệ thuật trong thời đại số đang đặt ra thách thức lớn khi hiệu quả đạt được phải hướng đến hội nhập quốc tế.
Giới sư phạm nghệ thuật quan tâm đến vấn đề này khi mà tư duy dạy nghề diễn viên, đạo diễn trong thời gian qua đã cũ và lạc hậu. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vừa đề ra chiến lược nâng tầm phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cụ thể ngành nghệ thuật phải theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo. Các chương trình đào tạo phải được cập nhật kịp thời từ các nước tiên tiến. Tại TP HCM hiện có các cơ sở đào tạo về nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, cùng nhiều đơn vị đào tạo theo hướng xã hội hóa. Nguồn nhân lực được đào tạo từ các đơn vị này hầu hết đều tham gia tích cực và có hiệu quả cho sân khấu, điện ảnh, truyền hình của TP HCM.
Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, TP HCM cần sớm có những cơ chế đặc thù với những chính sách đột phá trong việc đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa nghệ thuật, nhất là các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng. NSND Trần Minh Ngọc trăn trở hiện nay, việc đào tạo vẫn dựa theo giáo trình cũ, mỗi nơi đổi mới theo kiểu của riêng mình, chứ chưa có một quy chuẩn, cũng như cập nhật kịp thời những kiến thức mới. Vì thế khi tham gia những chương trình nghệ thuật giao lưu với các nước, chúng ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, lạc hậu.
Định hướng phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được xác định "Xây dựng TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu...". Theo các nhà chuyên môn, để thiết thực góp phần đạt được mục tiêu này, ngay từ bây giờ, TP HCM cần tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, các sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hóa - thể thao… Trong đó cần chú trọng trang bị khả năng ngoại ngữ cho đội ngũ diễn viên, đạo diễn trẻ, vì nếu yếu ngoại ngữ thì không thể tiếp thu, khai thác được những kiến thức nghệ thuật tiên tiến mà thế giới đã khai thác, vận dụng trong thời gian qua.
Thanh Hiệp
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/suc-hut-moi-tu-am-nhac-hoai-niem-20231031215650395.htm