Sức hút từ ngành công nghệ bán dẫn

Để đưa ngành công nghệ bán dẫn vào tuyển sinh năm 2024 các trường đại học đã có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng các điều kiện cần thiết.

Nhiều học sinh đến đăng ký xét tuyển tại trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Nhiều học sinh đến đăng ký xét tuyển tại trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện

Vi mạch bán dẫn đang trở thành ngành công nghiệp hàng tỉ USD được Chính phủ và nhiều tỉnh thành quan tâm. Tại Thái Nguyên, thời gian qua địa phương đã chủ động tích cực chuẩn bị điều kiện, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp để đón các nhà đầu tư công nghệ, trong đó có các dự án công nghiệp bán dẫn.

Thái Nguyên đã làm việc với Tập đoàn Samsung thúc đẩy Tập đoàn sản xuất chíp bán dẫn tại Thái Nguyên, tổ chức các đoàn thực hiện xúc tiến đầu tư đến các quốc gia là thủ phủ của ngành công nghiệp bán dẫn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Hà Lan để trao đổi cơ hội hợp tác đầu tư.

Theo số liệu thống kê, năm 2023 tỉnh Thái Nguyên thu hút 58 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 390 triệu USD, trong đó cấp mới 41 dự án với tổng số vốn là 243 triệu USD; quý I/2024 cấp mới bảy dự án FDI với tổng số vốn hơn 470 triệu USD, lũy kế đến nay thu hút 218 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 11,2 tỷ USD, tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư. Chính vì vậy, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, ngành công nghệ bán dẫn lại là ngành đào tạo mới, vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường đại học cũng đã chủ động xây dựng chương trình học, chuẩn bị nguồn nhân lực…để sẵn sàng cho kỳ tuyển sinh đầu tiên của chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn năm 2024.

Là một trong những trường đại học có kinh nghiệm trong đào tạo về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa….Năm 2024, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo "công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” nhằm đón đầu xu hướng đào tạo trong giai đoạn mới.

PGS. TS Nguyễn Văn Chí, Trưởng khoa Điện tử, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Thái Nguyên là một trung tâm thu hút vốn đầu tư FDI lớn, trong đó có nhiều ngành sản xuất, lắp ráp điện tử, sản xuất vi mạch, điện thoại đặc biệt là các khu công nghiệp tại Phú Bình, Phổ Yên…

Ngoài ra, Thái Nguyên có hệ thống đường giao thông thuận lợi, liên kết với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh là thủ phủ sản xuất ngành công nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.

Khoa Điện tử đóng vai trò chủ chốt trong đào tạo công nghiệp điện tử, đáp ứng nhu cầu chủ trương của chính phủ thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử bán dẫn tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được sự đồng ý của Đại học Thái Nguyên đã cho phép trường, cụ thể là khoa điện tử mở ngành công nghệ điện tử bán dẫn và vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông nhằm đón đầu xu hướng đào tạo trong giai đoạn tới.

Bắt từ năm 2024, khoa sẽ tiến hành tuyển sinh, với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến khoảng 60 – 100 sinh viên, có thể số lượng tuyển sinh sẽ thay đổi để phù hợp và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Song song với đó để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, khoa cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, cho các sinh viên các ngành khác để sau này khi ra trường các em có thể làm việc tại các lĩnh vực trên.

 Giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tham gia hội thảo Công nghệ đo kiểm vi mạch bán dẫn phục vụ công tác đào tạo nghiên cứu phát triển và sản xuất.

Giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tham gia hội thảo Công nghệ đo kiểm vi mạch bán dẫn phục vụ công tác đào tạo nghiên cứu phát triển và sản xuất.

Sẵn sàng tuyển sinh ngành mới

Còn tại trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) năm nay, nhà trường cũng đưa ngành Công nghệ bán dẫn vào tuyển sinh.

PGS.TS Phạm Thế Chính, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học cho rằng, mặc dù đây là ngành mới đưa vào tuyển sinh trong năm nay, nhưng nhà trường cũng đã có thời gian chuẩn bị từ trước cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và xây dựng chương trình đào tạo.

Theo PGS.TS Phạm Thế Chính, trong đào tạo công nghệ bán dẫn, yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất. Thời gian qua, hệ thống phòng Lab (phòng thí nghiệm, lắp đặt các thiết bị khoa học kỹ thuật, công cụ, dụng cụ hỗ trợ) phục vụ đào tạo đã được xây dựng tại nhà trường nên yêu cầu về cơ sở vật chất không còn là trở ngại lớn.

Về nhân lực để đào tạo công nghệ bán dẫn, PGS.TS. Phạm Thế Chính cho biết: trường Đại học Khoa học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ chất lượng cao, trường có lợi thế phần lớn giảng viên đều có chuyên môn và nghiên cứu với 5 PGS.TS và số lượng lớn Tiến sĩ được đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Nhìn nhận, công nghệ bán dẫn là lĩnh vực có nhiều yêu cầu mới, nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn bước đầu trong đào tạo. Chính vì vậy, các nhà trường cần có những đầu tư xứng đáng để hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất cũng như đáp ứng nhu cầu dạy và học, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-hut-tu-nganh-cong-nghe-ban-dan-post691114.html