Sức hút từ thể thao truyền thống

Với đặc điểm dễ chơi, không cần đầu tư quá nhiều về trang bị, dụng cụ thi đấu như các môn thể thao hiện đại, các môn thể thao truyền thống chỉ cần dành ít thời gian và niềm đam mê là có thể tập luyện và thi đấu. Vì ưu điểm đó, những năm qua, các môn thể thao truyền thống đã tạo ra sức hút lớn đối với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, hình thành phong trào tập luyện, thi đấu sôi nổi, rộng khắp.

Các môn thể thao truyền thống, trong đó có môn đẩy gậy,được đưa vào hệ thống giải thi đấu thể thao từ cấp cơ sở.

Các môn thể thao truyền thống, trong đó có môn đẩy gậy,được đưa vào hệ thống giải thi đấu thể thao từ cấp cơ sở.

Trong số các môn thể thao truyền thống, bắn nỏ được xem là môn thể thao “vua” vì hấp dẫn và tính cạnh tranh cao, lại gắn liền với truyền thống đánh giặc ngoại xâm, giữ làng giữ bản của Nhân dân các dân tộc biên giới. Ngày xưa, khi chưa có các loại binh khí làm từ kim loại, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã sáng chế ra những cây nỏ với những mũi tên sắc nhọn, trở thành một thứ vũ khí lợi hại đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi (điều đó thể hiện qua truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương). Ngày nay, khi xã hội phát triển, những cây nỏ lại trở thành trợ thủ đắc lực cho những người đam mê giữ gìn nét đẹp truyền thống, trở thành một môn thể thao có sức hấp dẫn rất lớn, không kể tuổi tác người chơi. Theo lời giới thiệu của anh Hoàng Văn Hà, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Chăm ở bản Nà Luông. Ông Chăm năm nay 55 tuổi nhưng vẫn rất đam mê tập luyện, thi đấu bắn nỏ và là một trong những “tay bắn” có tiếng tại các giải thi đấu thể thao dân tộc ở địa phương.

Từ lâu, người dân ở bản Nà Luông quen với hình ảnh bên ngôi nhà sàn lưng tựa vào núi, mái lợp lá cọ, ông Nguyễn Văn Chăm vóc dáng khỏe khoắn, tranh thủ giờ nghỉ trưa, cầm dao vót những thanh vầu già được chính tay ông lấy về từ trên rừng để làm thành những mũi tên. Ông Chăm cho biết: Để trở thành người bắn nỏ giỏi, ngoài việc sở hữu một cây nỏ tốt, am hiểu công năng của nỏ thì mũi tên là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mỗi phát bắn. Để có những mũi tên tốt, người chơi nỏ phải kỳ công tuyển chọn vật liệu và đặc biệt là khâu vót mũi tên.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Chăm mở tủ lấy ra một cái hộp gỗ nhỏ sơn màu vàng. Mở nắp hộp ra, bên trong là hàng chục mũi tên được ông cất giữ cẩn thận, kèm theo là các vật dụng để chế tác mũi tên. “Đây là mũi tên dành đi thi đấu giải, còn tập luyện hằng ngày thì dùng mũi tên mới vót ở kia”.

Năm 2020, khi xã có chủ trương thành lập câu lạc bộ bắn nỏ, dù tuổi đã cao nhưng ông Chăm lại là một trong những người đầu tiên hăng hái đăng ký tham gia. Sau đó, ông được cử đi tập huấn bắn nỏ tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Bảo Yên. Nắm được kỹ thuật và luật chơi, ông về truyền đạt lại cho các thành viên Câu lạc bộ bắn nỏ xã Nghĩa Đô cùng luyện tập. Để duy trì phong độ và cảm giác thi đấu, buổi chiều hằng ngày sau khi xong việc đồng áng, ông Chăm lại cùng các thành viên dựng bia, lên nỏ tự tập bắn ở sau nhà.

Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Văn Chăm vẫn đam mê nghề làm nỏ và luyện tập bắn nỏ.

Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Văn Chăm vẫn đam mê nghề làm nỏ và luyện tập bắn nỏ.

Là địa phương nổi tiếng có những “nỏ thủ” cứ thi đấu là cầm chắc trong tay giải nhất ở tất cả các nội dung bắn nỏ, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng từ lâu đã trở thành thành viên chính của đoàn vận động viên huyện Bảo Yên tham gia thi đấu các giải thể thao dân tộc. Có được vị thế đó, phải kể tới sự quan tâm phát triển phong trào của chính quyền địa phương, sự đam mê, hưởng ứng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng, từ việc các vận động viên bắn nỏ của xã giành được thành tích cao khi thi đấu tại các giải đã góp phần khích lệ người dân ở hầu hết thôn, bản biết và chơi môn này, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững phong trào tập luyện thể thao, không chỉ bắn nỏ mà còn với các môn thể thao truyền thống khác như đẩy gậy, kéo co…

Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, đa dạng về bản sắc hóa. Song song với các nghi thức, lễ hội trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc, các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co… cũng được tổ chức thi đấu trong phần hội, tạo không khí vui tươi, cạnh tranh, góp phần giữ gìn và tô đậm thêm nét văn hóa dân tộc, tăng cường rèn luyện sức khỏe, sức dẻo dai và nâng cao đời sống tinh thần.

Các môn thể thao truyền thống có điểm chung là không cần đầu tư quá nhiều về trang - thiết bị, vật tư, đồ dùng, dụng cụ. Chỉ cần có bãi đất rộng là có thể cùng nhau chơi, tập luyện, kỹ thuật chơi cũng không quá khắt khe, không mang nặng ganh đua thành tích nhưng lại thể hiện sự học hỏi, giao lưu, đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Chính vì vậy, các môn thể thao truyền thống đã và đang có sức hút trong cộng đồng các dân tộc, tỷ lệ người dân tộc tham gia tập luyện các môn thể thao truyền thống ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng Phòng Quản lý Thể dục - Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 100 câu lạc bộ thể thao dân tộc hoạt động thường xuyên và hiệu quả, góp phần đưa tỷ lệ người dân tộc tham gia luyện tập thể dục, thể thao ngày càng cao, năm 2020 là hơn 260.000 lượt người (chiếm 35% dân số). Các địa phương có phong trào phát triển và có các câu lạc bộ thể thao dân tộc mạnh là Bảo Thắng, Bảo Yên (kéo co, bắn nỏ), Bắc Hà (đẩy gậy, kéo co), Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát (đẩy gậy)…

Để có được phong trào luyện tập và thi đấu các môn thể thao truyền thống phát triển như hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh luôn coi trọng xây dựng và tổ chức hệ thống giải đấu từ cấp cơ sở, không chỉ nâng cao sức khỏe, mà các môn thể thao dân tộc được duy trì và phát triển còn góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát huy giá trị bản sắc dân tộc trong phát triển du lịch.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355060-suc-hut-tu-the-thao-truyen-thong