'Sức khỏe' 12 đại dự án thua lỗ, yếu kém giờ ra sao?
5 dự án yếu kém thua lỗ trong nhóm 12 dự án yếu kém của ngành Công thương đã được đưa ra khỏi danh mục dự án; một số dự án đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ đồng và bước đầu đã có lãi.
Cắt lỗ hàng nghìn tỷ đồng
Đề cập đến 12 đại dự án thua lỗ, yếu kém, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với các dự án này. Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình. Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2016 (Quốc hội khóa XIV).
Trong quá trình xử lý các dự án này, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao. Đến nay, một số dự án đã được đưa khỏi danh mục các dự án yếu kém. Hiện nay, một số dự án đã có khởi sắc thực sự.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành thì dự án DAP Hải Phòng đã đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, yếu kém, hiện tại kinh doanh bền vững.
Ba dự án còn lại, thì dự án đạm Hà Bắc lần đầu tiên sau 5 năm đi vào vận hành và đã có lãi; Dự án đạm Ninh Bình và dự án DAP số 2 Lào Cai cũng đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ.
Với 5 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Hùng Dũng - thành viên HĐTV PVN - cho hay có những dự án tập đoàn không nắm vốn chi phối, lại do công ty con đầu tư, gặp nhiều khó khăn về thị trường, nên việc xử lý không đơn giản.
Cụ thể, đối với dự án sơ sợi Đình Vũ, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trước đây PVN tham gia đầu tư với mong muốn góp phần bảo đảm nguồn sợi cho các doanh nghiệp may mặc trong nước. Qua thời gian đầu tư gặp một số khó khăn do thị trường.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ bản hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư đã được xử lý. PVN cũng đã tìm kiếm các đối tác để cùng xử lý các vấn đề tài chính bảo đảm nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm của nhà máy. Hiện nhà máy hoạt động cơ bản ổn định, các phân xưởng đưa vào vận hành toàn bộ dây chuyền. “Doanh nghiệp bắt đầu có lãi, tất nhiên lãi không lớn, bù đắp được”, ông Dũng thông tin.
Hai vấn đề tồn đọng mấu chốt
Theo ông Hồ Sỹ Hùng-Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn NN tại doanh nghiệp: Trong danh mục 12 dự án đang nhiều tồn đọng, đã đưa ra 5, còn lại 7 dự án do đang còn những vấn đề nổi cộm.
Đầu tiên là vướng mắc về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án này). Trong hợp đồng của tất cả các dự án này đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, kể cả áp dụng chính sách thuế ở Việt Nam. Thời gian qua, giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng rất quyết liệt thảo luận với nhau nhưng chưa đi đến được thống nhất và thương thảo về vấn đề này.
Vấn đề thứ hai là nhiều dự án được đưa vào diện hỗ trợ về mặt tài chính đầu tư trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, giai đoạn đó lãi suất cao, quá trình thực hiện dự án bị chậm, thường là vài năm, dẫn đến lãi suất đã cao còn bị phạt, lãi mẹ đẻ lãi con nên chi phí tài chính cao.
Do đó, ông Hùng cho rằng, cần xử lý được hai vấn đề mấu chốt trên. Nếu không giải quyết vấn đề này thì không mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so với các doanh nghiệp khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương). Thứ hai, chưa giải thoát được Hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất kinh doanh của mình.