'Sức khỏe' doanh nghiệp đáng báo động, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói gì?
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp (DN) là vấn đề nóng hổi được xã hội và dư luận quan tâm.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn
Các khó khăn đè nặng DN suốt thời gian qua đã khiến bức tranh phát triển DN trở nên ảm đạm trong quý 1/2024, khi số lượng DN rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần so với DN đăng ký thành lập mới.
Tuy vậy, trong số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký DN mới thành lập trong tháng 5 đã có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Trả lời báo chí tại họp báo chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập DN là vấn đề nóng hổi được xã hội và dư luận quan tâm.
“Tổng số DN thành lập mới và DN gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5 đạt 20.000 DN, cao gấp 1,7 lần so với DN rút lui khỏi thị trường; tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tính chung cả 5 tháng, xu hướng cho thấy số lượng DN thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với DN rút lui khỏi thị trường”, ông Phương nêu.
Theo ông Phương, DN thành lập mới và tái gia nhập là 98.800, số DN rút lui khỏi thị trường là 97.300 DN, tuy có cao hơn nhưng không đáng kể, khoảng hơn 1.000 DN. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phương cho biết, tại phiên họp chính phủ sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tích cực tập trung vào 3 hướng:
Thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.
Thứ hai là cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho DN tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho DN, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.
Thứ ba là liên quan đến thị trường xuất khẩu, cần thúc đẩy các giải pháp để các DN sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Cần giải pháp kịp thời gỡ khó cho DN
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay rằng tình trạng DN "chết yểu" gia tăng và tín dụng ảm đạm là những vấn đề đáng báo động. Điều này đòi hỏi sự chung tay giải quyết của Chính phủ, DN và người dân.
Theo đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ để kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Ông Việt cho rằng thời gian tới, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các DN phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các DN còn hoạt động.
Ngoài ra, các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các DN, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích DN quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các DN cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công).
Về lâu về dài, ông Việt cho rằng các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội vừa qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chỉ rõ tính chung cả 5 tháng đầu năm 2024 thì số DN rút lui khỏi thị trường tăng 10,5%, còn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng nêu rõ trong bất kể hoàn cảnh nào, DN vẫn luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế, do đó hơn bao giờ hết DN kể cả lớn hay bé cũng cần phải được quan tâm, được bảo vệ và được trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển.
“DN phát triển thì đất nước phát triển, nhưng trước những con số biết nói trên, DN khó khăn thì chúng ta phải làm gì là câu hỏi được các đại biểu đặt ra. Do đó, cần phân tích, đánh giá kỹ hơn về những khó khăn của DN, nhất là đối với khối DN tư nhân để có những quyết sách kịp thời, giải pháp hiệu quả ngay tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho DN hoạt động”, ông An nêu.
Khẳng định DN tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết đầu tư tư nhân còn thấp, DN mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất so với nhiều năm trước. Mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 khó có thể đạt được.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, nguyên nhân của tình trạng trên có ảnh hưởng từ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới; cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, bất cập, khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ DN còn khó khăn.
“Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm, như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài, do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan, làm gia tăng chi phí thời gian cho DN, giảm cơ hội thu hút đầu tư”, bà Lan nêu.