Sức khỏe tuổi mãn kinh của 13 triệu phụ nữ bị 'bỏ quên'

Cả nước có khoảng 13 triệu chị em bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Thông tin này được bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội thảo về thực trạng chăm sóc sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, do Bộ Y tế tổ chức, chiều 16-10.

Ước tính, cả nước có khoảng 13 triệu phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (từ 45 tuổi trở lên). Nếu tính nhóm phụ nữ bắt đầu suy giảm nội tiết tố (35 tuổi trở lên), cả nước có hơn 20 triệu, chiếm 1/5 dân số.

Sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh chưa được quan tâm. Ảnh minh họa

Sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh chưa được quan tâm. Ảnh minh họa

Chất lượng cuộc sống, sức khỏe suy giảm

Suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý của người phụ nữ. Khi suy giảm nội tiết tố, sức khỏe chị em xuất hiện nhiều rắc rối. Họ phải đối mặt với các vấn đề như suy giảm chất lượng cuộc sống với những triệu như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, đau xương khớp, loãng xương và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ.

"Những vấn đề suy giảm nội tiết tố ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình, công việc nhưng hầu hết mọi người, kể cả chị em lại cho rằng việc suy giảm nội tiết tố, mãn kinh là vấn đề sinh lý bình thường nên cố gắng chịu đựng"- bác sĩ Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh; đồng thời tăng cường truyền thông để phụ nữ chủ động chia sẻ với bác sĩ về sức khỏe và các triệu chứng rối loạn liên quan đến mãn kinh, để được tư vấn, điều trị tốt nhất.

Tại hội thảo, PGS-TS Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội phụ sản Việt Nam cho biết độ tuổi mãn kinh trung bình tại các nước phát triển là 51-52 tuổi. Tại Việt Nam, độ tuổi mãn kinh trung bình là 48-50 tuổi. Tuy nhiên, sau 35 tuổi, số lượng nang noãn buồng trứng ở phụ nữ giảm, nội tiết bắt đầu thay đổi.

PGS Lưu Thị Hồng cho biết sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh chưa được quan tâm

PGS Lưu Thị Hồng cho biết sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh chưa được quan tâm

Phần lớn phụ nữ gặp các triệu chứng rối loạn mãn kinh lầm tưởng rằng những biểu hiện này có liên quan đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ xương khớp… Trong khi đó, sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời và thường phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống. Thậm chí, phần lớn phụ nữ chịu đựng thời kỳ này một cách âm thầm.

Theo PGS Hồng, dù các vấn đề của phụ nữ mãn kinh rất nhiều nhưng họ thường không đi khám chuyên khoa mà tự tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc qua lời khuyên của bạn bè, người bán thuốc.

Không tùy tiện dùng thuốc nội tiết

Để vượt qua thời kỳ mãn kinh khỏe mạnh, bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh, Phó Khoa Phụ nội tiết (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khuyên chị em cần chăm sóc sức khỏe tinh thần, cải thiện chế độ sinh hoạt, luyện tập thể dục thường xuyên; ăn uống và bổ sung các vi chất như canxi, vitamin D, chất xơ, ăn chế độ giàu thực vật... Nếu có những rối loạn, bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ thêm đi thăm khám khi gặp các vấn đề về sức khỏe

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ thêm đi thăm khám khi gặp các vấn đề về sức khỏe

"Phụ nữ muốn dùng các thuốc nội tiết tố cần đi khám và được bác sĩ tư vấn, kê đơn, không tự ý dùng thuốc hay thực phẩm chức năng tùy tiện vì có thể sẽ sinh ra tác dụng phụ, gây nguy cơ ung thư vú, đột quỵ, huyết khối… Thời gian sử dụng, liều dùng, đường dùng của thuốc (uống hay bôi ngoài da…) phải được bác sĩ chỉ định tùy theo đối tượng."- bác sĩ Hạnh lưu ý.

Một khảo sát trên 1.100 phụ nữ mãn kinh tại Việt Nam cho thấy phụ nữ mãn kinh thường gặp các rối loạn: bốc hỏa (gần 40%); hồi hộp (gần 63%); chóng mặt (61%); rối loạn giấc ngủ (62%); vã mồ hôi ban đêm (20%).Cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ (hơn 69%); hay buồn chán (gần 47%); hay quên (gần 85%); hay lạnh bàn chân, bàn tay (16%); khó tập trung (58%); dễ cáu gắt (52%); nhức đầu (72%); ngủ kém về đêm (61%); đau lưng (68%); đau khớp (gần 66%); đau nhức tay chân (gần 71%)…

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe-tuoi-man-kinh-cua-13-trieu-phu-nu-bi-bo-quen-196241016214348081.htm