Tăng cường phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Các chuyên gia y tế thảo luận về tình hình và gánh nặng của các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ, nhất là sau dịch COVID-19 một số vắc-xin thiết yếu bị gián đoạn.

Ngày 16-10, GSK Việt Nam cùng các hiệp hội y khoa vừa phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo khoa họcvới chủ đề cập nhật tình hình dịch tễ và giải pháp chủ động phòng ngừa các bệnh nhiễm nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Hội thảo đã thu hút hơn 1.000 chuyên gia y tế trong lĩnh vực nhi khoa, dự phòng và truyền nhiễm trên cả nước để cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến bệnh truyền nhiễm ở trẻ.

Các chuyên gia y tế tham gia thảo luận tại hội thảo

Các chuyên gia y tế tham gia thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn - Trưởng Phòng khám và tư vấn tiêm chủng Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh cấp tính hay gặp ở trẻ em. Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thường gặp như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm hầu họng và viêm phổi.

Trong đó, thường gặp là viêm tai giữa cấp ảnh hưởng đến hơn 80% sức khỏe trẻ dưới 3 tuổi. Nếu không điều trị đúng cách, viêm tai giữa có thể gây ra biến chứng như mất thính lực vĩnh viễn, suy giảm khả năng ngôn ngữ hoặc thậm chí tử vong đối với trường hợp biến chứng có mủ ở nội sọ.

Theo BS Ngãi, để điều trị, kháng sinh thường là chỉ định ban đầu. Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy một số vi khuẩn gây bệnh, điển hình là phế cầu hiện đang có tỉ lệ kháng kháng sinh rất cao.

TS-BS Lê Kiến Ngãi chia sẻ dữ liệu khoa học và thông điệp tư vấn về chủng ngừa cho trẻ nhỏ tại hội thảo

TS-BS Lê Kiến Ngãi chia sẻ dữ liệu khoa học và thông điệp tư vấn về chủng ngừa cho trẻ nhỏ tại hội thảo

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, tiêm phòng sớm cho trẻ là một trong những biện pháp can thiệp chủ động cấp thiết và hữu hiệu để ngăn chặn các bệnh nguy hiểm này.

Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học Y Sinh, Viện Pasteur TP HCM, cho biết thêm tính đến tháng 4-2024, cả nước ghi nhận 127 ca ho gà, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, tỉ lệ mắc bệnh ho gà thực tế có thể cao hơn nhiều so với tỉ lệ được báo cáo do chẩn đoán thiếu chính xác và báo cáo không đầy đủ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp

"Ho gà là bệnh cần được chủng ngừa sớm cho trẻ, vì những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thậm chí có thể tử vong" - BS Nghĩa khuyến cáo.

Không chỉ các bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia cũng thảo luận về nâng cao nhận thức phòng bệnh viêm gan nhằm giảm bớt gánh nặng điều trị. Theo WHO ước tính, trong năm 2022 có 254 triệu người trên thế giới đang bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính.

PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa trình bày dữ liệu khoa học và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủng ngừa cho trẻ nhỏ

PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa trình bày dữ liệu khoa học và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủng ngừa cho trẻ nhỏ

Khoảng 90% trẻ em nhiễm virus viêm gan B ở giai đoạn đầu của thời thơ ấu đều sẽ có nguy cơ phát triển thành viêm gan mãn tính Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ cao của bệnh viêm gan siêu vi B.

"Trong bối cảnh có nhiều bệnh truyền nhiễm và nhiều loại vắc-xin cần lưu ý, cha mẹ sẽ có nhiều mối quan tâm khi quyết định thực hiện chủng ngừa cho con. Do đó, việc bác sĩ có thể thấu hiểu nỗi lo của các bậc phụ huynh để đưa ra những tư vấn, chỉ dẫn y tế phù hợp sẽ giúp cha mẹ yên tâm hơn trên hành trình chăm sóc sức khỏe của con" - BS Lê Kiến Ngãi chia sẻ.

Trung Kiên

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/tang-cuong-phong-ngua-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-cho-tre-nho-196241016153426254.htm