Sức lan tỏa từ cuộc thi 'Luật của chúng em'
Với cách làm hiệu quả, hiện đại, cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em trực tuyến 'Luật của chúng em' đã thu hút hơn 310 nghìn lượt đăng ký tham gia. Cuộc thi trở thành sân chơi kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, nâng cao nhận thức của xã hội về các quyền, bổn phận của trẻ em.
Với cách làm hiệu quả, hiện đại, cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em trực tuyến “Luật của chúng em” đã thu hút hơn 310 nghìn lượt đăng ký tham gia. Cuộc thi trở thành sân chơi kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, nâng cao nhận thức của xã hội về các quyền, bổn phận của trẻ em.
Được chia thành hai bảng dành cho học sinh tiểu học và THCS, cuộc thi có nội dung xoay quanh Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; các hành vi vi phạm quyền trẻ em và chế tài xử phạt; nội dung, giải pháp liên quan Luật Trẻ em của Hội đồng Đội T.Ư đã được cụ thể hóa trong chương trình năm học 2019 - 2020; các văn bản của T.Ư Đoàn về triển khai thực hiện Luật Trẻ em... Thí sinh có thể dễ dàng tranh tài trên ứng dụng thông minh “Thi Luật Trẻ em” hoặc truy cập địa chỉ http://luattreem.vn. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, cho biết: Ngay trong lần đầu tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ thiếu nhi cả nước với hơn 310 nghìn lượt học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, nhiều bài thi đã thể hiện lượng kiến thức phong phú, sự đào sâu suy nghĩ của các em. Dựa trên sự thành công của cuộc thi, tới đây, T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trong triển khai thêm những sân chơi kiến thức phong phú, hiện đại nhằm tăng cường phổ biến rộng rãi Luật Trẻ em năm 2016 và các vấn đề liên quan trong toàn xã hội.
Không chỉ thu hút thí sinh ở “đầu vào”, cuộc thi còn thể hiện sự lôi cuốn qua từng vòng thi. Ngay từ vòng loại, cuộc thi được sắp xếp khoa học với sáu chủ đề khác nhau chia đều trong 12 tuần tranh tài. Trong mỗi chủ đề, thí sinh có quyền thi tới năm lần để “nâng hạng” kết quả cá nhân. Qua vòng đầu tiên, từ hàng trăm nghìn thí sinh, đã có 623 cá nhân lọt vào bán kết, tiếp tục thử sức qua ba lần thi nhằm tìm kiếm những gương mặt xuất sắc nhất dự vòng chung kết toàn quốc. Đây là vòng thi cuối cùng và cũng là “đấu trường” căng thẳng nhất, bởi các thí sinh sẽ cùng lúc phải trải qua hai phần thi gồm đấu loại trực tiếp và chung kết xếp hạng toàn quốc.
Kết quả, thí sinh Trần Nguyễn Linh Như (lớp 4, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, tỉnh Đắk Lắk) đã giành phần thắng chung cuộc ở bảng tiểu học. Ngôi đầu của bảng THCS thuộc về thí sinh Mai Thị Thanh Ngân (lớp 9, Trường THCS Võ Lao, tỉnh Phú Thọ). Phần thưởng cho mỗi nhà vô địch là Bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và mười triệu đồng. Ngoài ra, ở mỗi bảng, Ban tổ chức trao hai giải nhì; tám giải ba bảng tiểu học và năm giải ba bảng THCS; 48 giải khuyến khích cho mỗi bảng; sáu giải đội tuyển xuất sắc phần thi tập thể; năm giải phong trào. Thí sinh Mai Thị Thanh Ngân chia sẻ: “Ngay khi biết thông tin về cuộc thi, em nhanh chóng đăng ký và rủ thêm bạn bè cùng tham gia. Để chuẩn bị cho bài thi, em đã dành thời gian sau giờ học để nghiên cứu Luật Trẻ em năm 2016 và nhận ra đây là bộ luật vô cùng cần thiết đối với lứa tuổi chúng em. Việc toàn cộng đồng hiểu rõ hơn về luật sẽ góp phần quan trọng trong kéo giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em. Khi trở về trường, em sẽ tích cực phổ biến, lan tỏa luật đến với bạn bè, thiếu nhi gần xa hơn nữa”.