Sức mạnh của hàng công Saudi Arabia
Những cầu thủ tấn công của Saudi Arabia rất lợi hại và có thể khiến tuyển Việt Nam thủng lưới bất cứ lúc nào.
Lúc này, hàng thủ Việt Nam đang không có lực lượng mạnh nhất khi Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu dính chấn thương. Bên cạnh đó, Trần Đình Trọng không có phong độ cao trong suốt thời gian qua. Những nhân tố thay thế như Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Thanh Bình, Trương Văn Thiết hay Hồ Tấn Tài lại không có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Đó là lý do khiến tuyển Việt Nam cần tập trung, cẩn trọng bởi Saudi Arabia có hàng công rất mạnh.
Đẳng cấp châu Á
Saudi Arabia đã giành vé vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 một cách thuyết phục. Họ giành ngôi đầu bảng B với 20 điểm, hơn đội nhì bảng Uzbekistan 5 điểm.
Đoàn quân của HLV Herve Renard ghi 22 bàn thắng, trung bình 2,75 bàn/trận. Đây là những con số cho thấy họ có hàng công chất lượng. Trong đó, 3 cái tên nổi bật nhất là Salem Al-Dawsari, Salman Al-Faraj và Fahad Al-Muwallad.
Trong sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, những cầu thủ này chơi sau lưng tiền đạo cắm. Tuy nhiên, họ mới là những người đóng góp nhiều bàn thắng nhất cho Saudi Arabia. Al-Dawsari có 5 pha lập công, nhiều nhất "Đại bàng xanh" ở vòng loại thứ 2. Trong khi đó, Al-Faraj cùng có 4 bàn thắng.
Saudi Arabia ưa thích tấn công biên với Al-Dawsari và Al-Muwallad ở 2 cánh. Điểm chung của 2 cầu thủ này là tốc độ, kỹ thuật tốt cùng khả năng dứt điểm ấn tượng. Ngoài ra, họ nhận sự hỗ trợ của 2 hậu vệ cánh là Mohammed Al-Breik, Yasser Al-Shahrani. Những cầu thủ kể trên đều từng dự World Cup 2018.
Al-Dawsari và Al-Muwallad thường chủ động đi bóng để dứt điểm. Họ có đủ kỹ thuật để làm điều đó và đều sở hữu siêu phẩm cho riêng mình. Trong khi đó, Al-Dawsari từng lốp bóng ghi bàn vào lưới Uzbekistan ở khoảng cách 16 m, thì Al-Muwallad lập cú đúp vào lưới Yemen bằng cú lốp bóng ngoạn mục bằng chân phải, sau đó đệm bóng cận thành.
Ngoài những tình huống triển khai bóng ra biên đơn thuần, các cầu thủ chạy cánh của Saudi Arabia di chuyển linh hoạt, sẵn sàng khai thác vào khoảng trống phía sau lưng hàng hậu vệ đối phương. Lúc này, các tiền vệ trung tâm sẽ phất bóng dài cho đồng đội và gây bất ngờ cho đối thủ. Một trong những tình huống.
Điều ấn tượng nữa trong cách tấn công biên của tuyển Saudi Arabia là người dứt điểm cuối cùng không nhất thiết phải là tiền đạo cắm. Tiền vệ công Al-Faraj, đội trưởng của "Đại bàng xanh" thường xuyên tạo ra sự kết nối và cũng xâm nhập vùng cấm để dứt điểm. Điển hình là tình huống mở tỷ số trong chiến thắng 3-0 của tuyển Saudi Arabia trước Uzbekistan.
Ngoài ra, Al-Faraj hiệu quả trong những tình huống xử lý bóng xoay lưng về phía khung thành đối phương. Anh quan sát nhanh, chuyền ít chạm để nhanh chóng tạo cơ hội cho đồng đội. Một trong những pha xử lý như vậy mang về bàn thắng cho Saudi Arabia trong cuộc đối đầu Singapore.
Nhìn chung, bộ 3 Al-Dawsari, Al-Faraj và Al-Muwallad giúp hàng công Saudi Arabia trở nên linh hoạt. Họ có phạm vi hoạt động rộng và sẵn sàng xâm nhập vùng cấm để ghi bàn.
Và tất cả đều ở đẳng cấp World Cup. FIFA gọi Al-Dawsari là "vũ khí chết người" của Saudi Arabia. Anh và Al-Faraj từng ghi bàn để giúp đội bóng Tây Á hạ gục Ai cập của Mohamed Salah ở World Cup 2018. Trong khi đó, Al-Muwallad được ví là "dị nhân" và "Messi của Saudi Arabia".
Bài học từ cuộc đối đầu Nhật Bản
Trong trận sắp tới, hàng thủ tuyển Việt Nam cần cẩn trọng. Yếu tố phòng ngự phải được đưa lên hàng đầu, nhất là ở khu vực cánh. Vì vậy, Văn Thanh có thể sẽ được HLV Park sử dụng. Trong quá khứ, anh từng chơi ấn tượng ở vị trí hậu vệ trái và vào đội hình tiêu biểu của AFF Cup 2016.
Chuyên gia Phan Anh Tú nhận định: "Trọng Hoàng sẽ được ưu tiên cho vị trí hậu vệ phải. Ở cánh đối diện, Hồng Duy cũng có thể được tính tới. Nhưng tuyển Việt Nam cần cầu thủ phòng ngự tốt nhất có thể, do đó nhiều khả năng Văn Thanh đá nghịch cánh. Cặp Trọng Hoàng - Văn Thanh là lý tưởng nhất trong điều kiện hiện tại".
Hàng công Saudi Arabia rất mạnh, nhưng tuyển Việt Nam vẫn có hy vọng. Quế Ngọc Hải và đồng đội từng đối đầu nhưng cầu thủ tấn công đình đám của Nhật Bản như Takumi Minamino, Ritsu Doan ở Asian Cup 2019 và chỉ chịu thua 0-1 sau tình huống phạt đền có phần gây tranh cãi.
Lúc đó, tuyển Việt Nam đã chơi kỷ luật, kiên nhẫn trong phòng ngự. Các học trò của HLV Park cũng tạo được nhiều tình huống nguy hiểm từ các phản công. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam đã không tận dụng được.
Nếu trình diễn được lối chơi tương tự trận gặp Nhật Bản và hạn chế những sai lầm, tuyển Việt Nam đủ khả năng giành điểm trước Saudi Arabia. Ở vòng loại World Cup 2002, tuyển Việt Nam thua 0-9 trước đối thủ này sau 2 lượt trận. Nhưng giờ đây, kết quả có thể sẽ tích cực hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suc-manh-cua-hang-cong-saudi-arabia-post1258347.html