Sức mạnh của văn hóa trong thời kỳ hội nhập

Văn hóa - sức mạnh mềm, đang là nhân tố cơ bản tăng sức cạnh tranh, chi phối các yếu tố chính trị, kinh tế cũng như chính sách ngoại giao của từng quốc gia.

Diễn đàn Hợp tác phát triển kinh tế quốc tế 2025 có gần 100 cá nhân, tập thể đã được vinh danh bởi những đóng góp lớn trong gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc.

GS.TS Khoa học Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Diễn đàn biểu dương những cơ quan, tổ chức, cá nhân trong mọi ngành nghề phát triển để vươn mình, hội nhập với quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Nhà nước đang có chủ trương lấy phát triển kinh tế tư nhân là chủ đạo".

Thiền tông sư Anh Tuấn - Phó Viện chủ Chùa Thiền Tông Tân Diệu cho biết: "Ngành văn hóa là ngành tiên phong, mũi nhọn để phát triển, đồng hành cùng dân tộc để phát triển kinh tế cho đất nước. Trong đó, Chùa Thiền Tông Tân Diệu ở tỉnh Long An hiện đang lưu giữ hàng ngàn câu niệm của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng như của 36 bị Tổ sư Thiền tông Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam được lưu giữ trên những mảng đá hoa cương rất đẹp".

Hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong đó có 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3633 di tích quốc gia, 571 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguồn lực văn hóa lớn, phong phú cũng chính là động lực tạo sự đột phá về phát triển du lịch.

Chị Mallorie - Du khách người Pháp chia sẻ: “Vùng quê của các bạn thật thanh bình, tôi thấy được vẻ đẹp truyền thống trong cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc ở các di tích. Ngôi chùa này thật đẹp và có nhiều giá trị khám phá đối với tôi".

Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển kinh tế. Khối lượng di sản lớn được xem là kho tàng giá trị lớn, để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo đúng định hướng. Trong đó, phát triển kinh tế số từ di sản được cho là hướng đi đúng hướng, phù hợp với xu thế.

Ông Hoàng Văn Hòa - Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Đình Viên - Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội cho biết: "Quận đang có chủ trương sẽ đầu tư hơn nữa để sao cho mỗi kỳ lễ hội tới của chúng ta sẽ càng thêm phong phú và càng thu hút khách thập phương, giúp họ khám phá về những di tích lịch sử ở đây".

Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số cho biết: "Vấn đề của di sản không chỉ là một thứ hữu hình mà nó còn là một tài sản phi vật thể thuần túy. Và tài sản văn hóa, di sản cung cấp cho chúng ta một nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng, tuy nhiên làm sao để biến những dữ liệu đó thành tài nguyên để khai thác thì chúng ta cần phải có một quy hoạch rõ ràng. Hiện cách chúng ta hiểu được bản chất dữ liệu đó được chuyển hóa như thế nào đang là vấn đề khó nhất chúng ta cần giải quyết".

Đất nước đang bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Điều đó đòi hỏi mỗi địa phương đều phải lựa chọn thế mạnh làm chiến lược để “bứt phá và cất cánh”. Trong dòng chảy hiện đại và hội nhập, những giá trị truyền thống như văn hóa tín ngưỡng,… vẫn đang lặng lẽ lan tỏa, nâng đỡ đời sống tinh thần của con người hôm nay. Với khối lượng di sản khổng lồ, đây sẽ là nguồn lực lớn để cả nước bứt phá trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Kim Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/suc-manh-cua-van-hoa-trong-thoi-ky-hoi-nhap-331534.htm