Sức mạnh Đại đoàn kết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam 1991 đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Năm 1992 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra khi đó là: Đảng cần có Nghị quyết về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất cho phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp mới và thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới vì Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác Mặt trận ban hành năm 1962 đến thời điểm này đã là 30 năm và Chỉ thị 17CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" cũng đã 10 năm.
Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, Đảng đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng Ban Dân vận Trung ương phối hợp soạn thảo Nghị quyết do đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Đảng đoàn phụ trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Trương Mỹ Hoa - Bí thư Trung ương Đảng.
Để chuẩn bị cho Nghị quyết, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17, Ban biên tập lần lượt tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của các đồng chí trong Đảng đoàn các tổ chức thành viên của Mặt trận, các đồng chí phụ trách dân vận nhiều địa phương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư các khóa, các đồng chí lão thành trong công tác Dân vận - Mặt trận và cuối cùng là xin ý kiến đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Chí Công - cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Dự thảo Nghị quyết gồm 3 phần chính. Phần I: Nêu rõ yêu cầu về đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới; Phần II: Nêu rõ nhiệm vụ của Mặt trận dân tộc thống nhất; Phần III: Đề ra những giải pháp nhằm củng cố và mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài 3 phần chính trên còn có đoạn mở đầu và phần kết thúc.
A/Về đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới
Ban biên tập tập trung vào yếu tố dân tộc và nhấn mạnh: "Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, yếu tố dân tộc trở thành một đặc điểm cực kỳ quan trọng". Vì sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ và mới và cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự tan rã đó. Trước tình hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, cách mạng của giai cấp công nhân bước vào giai đoạn thoái trào, đòi hỏi các dân tộc phải đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội và cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách, liên quan đến vận mệnh chung của loài người như: giữ gìn hòa bình, bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ dân số v.v...
B/Về nhiệm vụ của Mặt trận dân tộc thống nhất
Như Cương lĩnh "Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" đã chỉ rõ: "Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới tình trạng ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau". Trước mắt, cần đưa nước ta: "Ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh hơn vào đầu thế kỷ XXI".
Mục tiêu của chặng đường đầu nêu trên cũng chính là mục tiêu của Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu chung của Mặt trận dân tộc thống nhất hiện nay là: "Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới"…
C/Củng cố và mở rộng Mặt trận Tổ quốc
Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ là trách nhiệm riêng của Mặt trận. Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, Nghị quyết xác định rõ thêm vị trí, vai trò, tính chất của Mặt trận.
1. Mặt trận không phải là một đoàn thể, mà là liên minh chính trị, là tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo.
2. Mặt trận làm việc theo nguyên tắc: Hiệp thương dân chủ, hợp tác bình đẳng, đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên theo chương trình hành động chung. Những nguyên tắc trên liên quan mật thiết với nhau, song quan trọng nhất, cần nhấn mạnh nhất là: Hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên theo chương trình hành động chung.
3. Về kiện toàn và mở rộng tổ chức Mặt trận, Nghị quyết yêu cầu: Tăng thêm những người tiêu biểu, có tín nhiệm và năng lực trong các giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, giới trí thức, các doanh nghiệp tư nhân. Bộ máy giúp việc Ủy ban Mặt trận các cấp cần gọn, nhẹ, trọng chất lượng, thu hút được nhiều chuyên gia giỏi và từng lĩnh vực hoạt động của Mặt trận.
4. Về trách nhiệm của Nhà nước: Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật, mọi kế hoạch và hoạt động quản lý của Nhà nước đều quan hệ đến các giai cấp và tầng lớp xã hội. Vì vậy, để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân làm tròn nhiệm vụ là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, Nhà nước cần:
- Thể chế hóa quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận nhất là trong việc tham gia quá trình bầu cử các cơ quan dân cử, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia quản lý kinh tế, xã hội; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ viên chức Nhà nước.
- Các cơ quan nhà nước cần phối hợp với Ủy ban Mặt trận các cấp, thực hiện đầy đủ những điều quy định trong Hiến pháp và pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.
5. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định nhất trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Là người lãnh đạo, Đảng phải thực hiện đúng vai trò tiên phong của mình là đề ra đường lối và các định hướng về chính sách đúng đắn, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Bằng công tác tuyên truyền, vận động, Đảng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Bằng công tác tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng lôi cuốn mọi người cùng thực hiện. Đảng tôn trọng và phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủng hộ mọi hoạt động tích cực, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể…
Nghị quyết đã quy định cụ thể về phương thức lãnh đạo cũng như thực thi trách nhiệm thành viên của Đảng trong Mặt trận; định hướng tuyển chọn, bố trí và chính sách đối với cán bộ Mặt trận.
Để Nghị quyết thành hiện thực cuộc sống, điều quan trọng là làm cho mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, khắc phục những quan điểm sai trái như: coi nhẹ công tác Mặt trận, thái độ định kiến, hẹp hòi với người ngoài Đảng, nhất là cần bố trí cán bộ ngang tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và có chính sách thỏa đáng.
Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/suc-manh-dai-doan-ket-tintuc457624