Sức mạnh đoàn kết và quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bài 3: Phát huy vai trò của mặt trận các cấp trong công tác hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước đã được triển khai. Việc giám sát phân bổ nguồn lực, hỗ trợ kinh phí và xây nhà được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó phải kể đến vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh. Thông qua các hoạt động của mình, MTTQ vừa là cơ quan thường trực, vừa đóng vai trò huy động các nguồn lực xã hội hóa, thực hiện công tác giám sát, góp phần đảm bảo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện công bằng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.P
Ứng dụng Công nghệ số trong việc quản lý chương trình
Khẩn trương linh hoạt, rõ kết quả, rõ sản phẩm, trong thời gian qua, đã có rất nhiều ngôi nhà ba cứng (nền móng cứng, khung tường cứng, mái cứng) được trao tận tay cho người dân thụ hưởng. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cần được thực hiện dân chủ, công khai và minh bạch, vừa phải đảm bảo tiến độ, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, phát huy sự nỗ lực của gia đình, sự chung tay góp sức của dòng họ và cộng đồng.
Phát huy những kết quả chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, để đảm bảo công tác vận động, điều phối các nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà thống nhất, hiệu quả và minh bạch; Cổng Thông tin cứu trợ - thiện nguyện (cổng) do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp thực hiện (tại địa chỉ http://cuutro.quangtri.gov.vn).
Trong đó, tất cả các nguồn kinh phí kêu gọi hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo đều được MTTQ Việt Nam tỉnh công khai tại cổng. Việc quản lý, chi tiêu số tiền lớn là một công việc không hề đơn giản, thách thức càng lớn khi số tiền ấy đến từ rất nhiều nguồn với mục đích là đóng góp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nên công việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác từng đối tượng.
Bên cạnh việc công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ nhà, 4.995 hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm đều được quản lý thông qua cổng. Bộ hồ sơ điện tử đối với các đối tượng thuộc danh sách được hỗ trợ nhà trong Kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh bao gồm: Họ và tên, địa chỉ, hoàn cảnh hộ hưởng lợi, số căn cước công dân; hình ảnh chụp nhà và chủ hộ được hỗ trợ trước và sau khi xây dựng hoàn thành; các hồ sơ liên quan theo yêu cầu.
Việc số hóa toàn bộ hồ sơ nhà đã giúp việc quản lý, rà soát đối tượng, kiểm duyệt trở nên nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng. Với khối lượng công việc lớn nhưng chỉ thời gian chưa đầy 240 ngày để hoàn thành nhiệm vụ này, các cấp, ngành, từng địa phương, đơn vị đã đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể để thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế; đảm bảo tiến độ triển khai theo kế hoạch.
Việc báo cáo tiến độ xây dựng nhà cũng được thực hiện hoàn toàn qua mạng. Thông qua cổng, hằng ngày, cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp có thể báo cáo danh sách các hộ dân đã được hỗ trợ; các hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà; các hộ dân đã hoàn thành việc xây dựng nhà, rất tiện lợi, bất kỳ thời điểm nào ban chỉ đạo xóa nhà tạm các cấp cũng đều có thể khai thác, nắm bắt số lượng, tỉ lệ nhà được xây dựng, khởi công, hỗ trợ kinh phí và danh sách chi tiết từng hộ dân thuộc chương trình.
Thực hiện tốt các hoạt động giám sát
Song song với quá trình hỗ trợ người dân trong xây dựng nhà, MTTQ Việt Nam các cấp đều ban hành kế hoạch để cùng phối hợp với các địa phương giám sát việc triển khai thực tế đến người dân. Tập trung vào việc rà soát tiến độ, chất lượng giải ngân các nguồn lực; việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả vận động nguồn lực xã hội hóa và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp cũng giám sát việc triển khai các nguồn quỹ của Mặt trận. Từ đó, có định hướng và tham mưu để sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích.
Thông qua giám sát nhằm kịp thời nắm bắt, phát hiện những điểm nghẽn, hạn chế và khó khăn để kiến nghị, đề xuất, tham mưu lãnh đạo tỉnh và Thường trực Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu, chất lượng và tiến độ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh cho biết: Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát và không để ai bị bỏ lại phía sau là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước. Những nghĩa cử cao đẹp và sự chung tay đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân cho phong trào thi đua có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này đã giúp thay mới diện mạo của hàng chục nghìn căn nhà. Đây là hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Nguyễn Phong
Bài 4: Hạnh phúc trong những ngôi nhà Đại đoàn kết