Sức mạnh doanh nghiệp - Động lực phát triển tỉnh Long An
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Long An (tên viết tắt là LBA) đã trở thành 'ngôi nhà chung' kết nối và hỗ trợ các doanh nhân, DN trên địa bàn. Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững, Hiệp hội không chỉ cung cấp thông tin, đào tạo mà còn tạo ra nhiều cơ hội hợp tác. Đây chính là nền tảng vững chắc giúp cộng đồng doanh nhân vững bước trên con đường khởi nghiệp và phát triển.
Nơi kết nối, hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp
LBA được thành lập theo Quyết định số 1740/QĐ-UBND, ngày 02/7/2007 của UBND tỉnh. Hiện tại, Hiệp hội có 66 ủy viên. Hiệp hội là tổ chức kết nối các doanh nhân, chủ DN trong tỉnh, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội nói riêng và các DN nói chung đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn dịch Covid-19. Để thích ứng với quy định về giãn cách xã hội, ngoài những buổi gặp gỡ trực tiếp, Hiệp hội còn tổ chức những phiên họp trực tuyến, duy trì kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong ứng phó với dịch bệnh để DN hội viên kịp thời hỗ trợ nhau. Qua đó, tăng cường kết nối, khai thác thế mạnh của các DN hội viên; kịp thời tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của DN hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từ đó có những kiến nghị phù hợp để cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Hiệp hội thường xuyên cập nhật thông tin mới về chính sách, quy định pháp luật cho các DN hội viên. Hiệp hội cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành DN, khuyến khích sử dụng sản phẩm của các DN hội viên.
Là thành viên của Hội đồng Hiệp hội DN Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Ban Chấp hành LBA thường xuyên tham gia các hoạt động mở rộng kết nối với cộng đồng DN trong khu vực. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu của DN trên địa bàn tỉnh, góp phần xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư giữa các DN trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc kết nối giữa các DN không chỉ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội thực hiện một số hoạt động nổi bật như tổ chức, triển khai và phối hợp thực hiện nhiều chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm gắn kết, nâng cao giá trị thương hiệu DN; kết nối xúc tiến thương mại với các tổ chức DN nước ngoài, điển hình là DN Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Campuchia,...
Hiệp hội tháp tùng lãnh đạo địa phương tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Cuba, Hoa Kỳ,... góp phần quảng bá, kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Hiệp hội tổ chức các lớp đào tạo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành DN cho hội viên (chia sẻ của Tiến sĩ Giản Tư Trung về văn hóa DN, chia sẻ kinh nghiệm và quản trị điều hành DN từ doanh nhân Đặng Văn Thành); đồng hành cùng các sở, ban, ngành liên quan, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện nổi bật, trong đó có hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) hàng năm; tổ chức nhiều chương trình đối ngoại quốc tế chuyên nghiệp, trọng thị, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao (chương trình kết nối DN Úc - Việt Nam vào tháng 12/2022; Hội nghị Thúc đẩy hợp tác đầu tư và đối thoại, tháng 8/2022; Hội nghị Báo cáo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và giải pháp năm 2022;...).
Nhiệm kỳ qua, Hiệp hội vận động đóng góp 21.370.500.000 đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Long An. Trong đó, ủng hộ hơn 14 tỉ đồng mua vắc-xin phòng Covid-19 hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh; hỗ trợ hơn 3 tỉ đồng nhằm chia sẻ khó khăn với trẻ em, người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trao tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 với số tiền 2 tỉ đồng;…
Các DN thành viên tạo cơ hội việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ công cộng thông qua nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, tham gia các hoạt động từ thiện, tài trợ cho các chương trình giáo dục, y tế và môi trường.
Nhiệm kỳ 2024-2029, Hiệp hội DN tỉnh đặt ra những mục tiêu cụ thể như tăng cường ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và đổi mới công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động kết nối trong nước và quốc tế, chú trọng xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua thông tin về hiệp định thương mại; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách và cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và DN; xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, thu hút DN; tiên phong trong các hoạt động an sinh xã hội và tôn vinh DN xuất sắc.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế nhờ đẩy mạnh mở cửa, hội nhập quốc tế, tích cực tham gia mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là TPP, CPTPP, khối Asean thống nhất mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Khi các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu, các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do tài chính hạn chế và công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, hạ tầng của các DN trong tỉnh còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn chậm dẫn đến nguy cơ giải thể nếu không thích ứng kịp thời.
Để góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, LBA triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Đó là nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội: Tiếp tục xây dựng và phát triển hội viên; đồng thời, củng cố và kiện toàn các DN hội viên theo tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-TW năm 2011 và Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ, thúc đẩy văn hóa kinh doanh trong tỉnh và liên kết hoạt động với các hội, đoàn thể.
Hiệp hội nỗ lực thông tin kịp thời về tình hình KT-XH trong nước và thế giới cũng như các chủ trương, chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khuyến khích DN hội viên quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, tạo môi trường sản xuất an toàn và hiệu quả.
Hiệp hội xây dựng "cầu nối" giữa DN và chính quyền; tạo liên kết ngang và dọc giữa các nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ cũng như giữa DN trong và ngoài nước nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đồng hành cùng chính quyền, đề xuất, kiến nghị xây dựng chính sách và cơ chế hoạt động cho DN; đồng thời, thường xuyên rà soát và đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Hiệp hội hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển khoa học - công nghệ.
Cùng với thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội còn chú trọng các hoạt động chăm lo cho cộng đồng. Hiệp hội, các DN hội viên phối hợp các tổ chức, nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Những kết quả trong nhiệm kỳ qua sẽ là cơ sở, nền tảng để LBA vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục vươn lên. Qua đó, Hiệp hội không chỉ là “ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nhân mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Sự kết nối và hỗ trợ của Hiệp hội cũng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh năng động, giúp DN vươn xa và phát triển bền vững./.