Sức mạnh khó lường của 'quyền lực mềm'

LTS: Quyền lực mềm, hay còn gọi là sức mạnh mềm, đã là một khái niệm không mới nữa. Và giữa những giằng xé trước các ảnh hưởng từ các quyền lực mềm đa phương, Việt Nam đang có gì?

Câu chuyện nào chiến thắng

Trong một cảnh quay khốc liệt, khi mọi khán giả đều nín thở chăm chú vào cuộc chiến giữa Doctor Strange và con quái vật bạch tuộc trên đường phố New York, ở góc nhỏ của khung hình, một kệ báo nho nhỏ xuất hiện, và trên đó đặt một tờ báo có “truyền thống” chống Trung Quốc.

Khung hình chỉ xuất hiện vài giây này trở thành lý do chính khiến bộ phim Doctor Strange 2 bị cấm chiếu ở Trung Quốc. Trước đó, trailer của bộ phim đã khiến nhiều người phẫn nộ vì người thủ vai nhân vật Pháp sư Tối cao, nguyên mẫu trong truyện tranh là người Tây Tạng, lại là Tilda Swinton, một nữ diễn viên người Anh.

Các nhà làm phim đã chọn loại bỏ nguồn gốc Tây Tạng của nhân vật từ truyện tranh, vì đây là một chủ đề chính trị nhạy cảm có thể tạo ra dư luận tiêu cực với chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Biên kịch của bộ phim sau đó giải thích rằng họ không muốn “tự hủy” tiềm năng của một thị trường 1,4 tỷ dân.

Tờ báo Mỹ Washington Times (WT) còn đi xa hơn, với một bài viết nói rằng có khoảng 147 bộ phim được sản xuất từ các hãng phim có liên kết với các tập đoàn Trung Quốc, thông qua đầu tư trực tiếp hoặc phối hợp sản xuất. Trong số này, WT cho rằng 33 phim đã phải thay đổi các chi tiết liên quan đến chính trị. Một bộ phim bom tấn giờ đây đã trở thành “chiến trường” thu nhỏ kín đáo của các lực lượng muốn tận dụng sức mạnh mềm.

Kể từ khi được đưa ra lần đầu trong một quyển sách phát hành vào năm 1990 của giáo sư Đại học Harvard Joseph Samuel Nye, khái niệm “quyền lực mềm” đã trở nên rất phổ biến. Joseph Nye mô tả đấy là khả năng giành những thứ mình muốn, nhưng không phải bằng vũ lực, mà thông qua việc gây ảnh hưởng lên người khác.

Người Mỹ đã đi trước thế giới khá xa trong việc tận dụng khái niệm này, với sự phổ biến của ngôn ngữ, đồ ăn nhanh, và đặc biệt là phim Hollywood. Năm 2002, trong cuốn sách “America Unrivaled”, học giả John Ikenberry đã đặt một câu hỏi táo bạo, rằng tại sao các quốc gia khác lại không chống lại sức mạnh của Mỹ?

Ông lập luận rằng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, hình hài thế giới được vẽ lên không còn dựa trên địa chính trị, mà là câu chuyện của sức mạnh mềm. Văn hóa Mỹ dựa trên các giá trị chung thay vì sắc tộc chung. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người Mỹ. Sức mạnh của Mỹ trên thế giới dựa trên những lý tưởng về sự mở cửa và tranh luận phản biện. Nói cách khác, nó hướng đến việc tạo ra ảnh hưởng, thứ không thể chống lại.

Trong thời đại thông tin, chiến thắng không chỉ là kết quả của quân đội trên chiến trường, mà còn là việc xác định xem câu chuyện của ai chiến thắng. Sức mạnh quân sự cứng không đủ. Chúng ta cần sức mạnh mềm của sự hấp dẫn về mặt văn hóa.

Trong một tháng qua, các câu chuyện liên quan đến việc cấm hay không cấm phim “Barbie” đã tạo ra dư luận rất lớn, một biểu hiện của sự cảnh giác cao độ với quyền lực mềm. Giờ đây ai cũng hiểu rằng trong một khung hình chỉ vài giây thôi, người ta có thể tạo ra nhiều diễn ngôn đến thế nào.

Nhưng trong cùng một thời điểm, sự kiện đơn vị tổ chức ban nhạc Black Pink được cho là ủng hộ “đường lưỡi bò” không thu hút được một thái độ dứt khoát kiểu người ta đã sử dụng với phim “Barbie”. Tôi biết có những người phản đối phim “Barbie”, nhưng lại tỏ thái độ bênh vực với trường hợp của ban tổ chức đêm nhạc của Black Pink. Họ yêu ban nhạc đến từ Hàn Quốc hơn.

Không bàn về khía cạnh đúng sai, các thái độ trái ngược này cho thấy một khía cạnh đáng sợ của sức mạnh mềm, rằng về cơ bản, con người dễ dàng hạ hàng rào cảnh giác xuống, bất cứ lúc nào họ thấy rằng thứ (có tiềm năng) gây ảnh hưởng đủ hấp dẫn.

Trong cuộc chạy đua mới này, các bên đang giành giật từng khung hình, để kể những câu chuyện riêng của mình. Và các mục tiêu chịu ảnh hưởng chỉ còn biết "chịu trận", với một nan đề chờ đợi họ: gồng mình cảnh giác kiểu "giết nhầm còn hơn bỏ sót", hay mở rộng biên độ sự chấp nhận, dựa trên thị hiếu cá nhân?

Còn một cách khác, là kể những câu chuyện của riêng mình thật thuyết phục. Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thời đại mới bắt đầu từ rạp chiếu phim, các concert... với chiến thắng của các câu chuyện, vì như đã nói, trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, quyền lực mềm được tạo ra từ các hệ giá trị, nhiều hơn từ địa chính trị.

Phạm An

Một triệu bài toán

Tôi đi dự khá nhiều hội thảo về chủ đề biến văn hóa thành tài sản. Các diễn giả hay có câu cửa miệng: “Đây là một bài toán…”.

Ở các hội thảo, khi nghe các diễn giả trầm ngâm nói: “Theo tôi, đây là một bài toán…”, tôi hay vô thức bật ra trong đầu: “Không phải đâu anh/chị ơi, nó là một nghìn lẻ một bài toán đấy”.

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và chính phủ. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều ví dụ của những quốc gia đi trước: họ biến văn hóa thành tài sản, rồi sử dụng tài sản đó tạo ra giá trị kinh tế và giá trị ngoại giao khổng lồ.

Một ban nhạc Hàn Quốc có thể mang đến cho nền kinh tế này hàng tỷ USD giá trị thương hiệu. Một món ăn Thái Lan được marketing bài bản cũng có thể tạo ra hàng tỷ USD thu nhập cho ngành du lịch nước này. Và một nhân vật truyện tranh có thể truyền bá chủ nghĩa tự do kiểu Hoa Kỳ khắp thế giới: lịch sử ngành xuất bản Mỹ đã không biết bao lần chứng kiến các siêu anh hùng truyện tranh đấm thẳng vào mặt một kẻ thù có thật của nước này. Văn hóa đại chúng trở thành công cụ chính trị và ngoại giao quyền lực, không thể kể hết ví dụ cho “quyền lực mềm” mà các quốc gia đã kiến tạo.

Nhưng tôi luôn bị khó chịu mỗi lần người ta mô tả rằng việc biến văn hóa thành tài sản là “một bài toán”. Tôi đã từng đầu tư vào kinh doanh văn hóa. Tôi hiểu rằng nó không thể là một bài toán.

Ứng dụng văn hóa, truyền thống hay sáng tạo, vào cuộc sống, đòi hỏi các cách tiếp cận vô cùng linh hoạt. Thiết kế tour thăm làng nghề là một bài toán. Thiết kế sản phẩm mỹ thuật là một bài toán. Tổ chức biểu diễn là một bài toán. Thậm chí mỗi tình huống lại cần một cách thiết kế sản phẩm khác nhau: đưa Tây đi thăm làng mây tre đan phải thiết kế sản phẩm kiểu khác; đưa khách Việt đi làng tranh truyền thống phải một sản phẩm khác; và đưa người Hàn Quốc đi làng làm chiếu lại cần một thiết kế khác. Mỗi dự án này cần được đầu tư riêng biệt, thậm chí là một quá trình tư duy kéo dài nhiều năm.

Bạn hẳn đã từng nghe câu chuyện của một nghệ nhân nào đó mất mười hoặc mười lăm năm để đem được sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của làng mình đi xuất khẩu. Chỉ-một-sản-phẩm, có thể khiến người ta mất mười lăm năm. Thế thì biến văn hóa thành sức mạnh thực ra có thể là một triệu bài toán.

Một triệu bài toán thì không thể giải được trong phòng hội thảo, có tổ chức bao nhiêu thảo luận về chủ đề này cũng vậy thôi. Cũng không thể trông chờ các thiết kế nhà nước (vốn là hữu hạn) đi giải toán – vốn là vô hạn. Nó buộc phải được giải bằng nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu có một lời gợi ý nào đó cho hướng đi của phát huy sức mạnh văn hóa: làm thế nào để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào phát triển văn hóa?

Năm ngoái, tôi cùng bạn bè lập một doanh nghiệp, quyết giải một bài trong một triệu bài: sản xuất đồ uống từ các loại trái cây giàu ý nghĩa văn hóa với người Việt Nam. Uống calvados của Pháp và tequilla của Mexico mãi chán lắm rồi, ngon thì ngon thật nhưng mình có gắn bó gì với cây táo ở Caen hay là cây agave ở Nam Mỹ đâu. Chúng tôi quyết định sẽ lên men trái vải thiều – một loài cây giàu ý nghĩa với người Việt Nam. Chúng tôi tin rằng vải thiều, ngoài là nông sản, có thể là tài sản văn hóa.

Để vải thiều không chỉ là một loại nông sản bán được cho Trung Quốc, mà lên ngang tầm với những biểu tượng như cây agave của người Mexico, hay là những quả táo được chưng cất của người châu Âu, là một tham vọng văn hóa. Ít nhất là với cá nhân tôi, người trực tiếp làm, câu chuyện là như vậy.

Đến đây người đọc hẳn đã nhận ra: nó là một bài toán kinh doanh như bao bài toán kinh doanh khác. Chúng tôi đối mặt với đủ thứ khổ đau về vốn, về công nghệ, về vận hành. Đã nói chuyện văn hóa thì cái chai thủy tinh đựng đồ uống phải đẹp; cái nhãn mác phải in tinh tế; cái quy trình lên men phải được giám sát bởi kỹ sư sinh hóa hàng đầu. Tất cả những thứ này, phải trả bằng tiền.

Và độc giả cũng đã nhận ra: tôi có nói thánh nói tướng về văn hóa, về cây vải trong thơ văn, về truyền thuyết khởi nghĩa Mai Thúc Loan gắn với cây vải, thì cũng chẳng có ai đưa thêm đồng vốn nào.

Làm “văn hóa” hay là làm “nông nghiệp” hay làm “chế biến chế tạo” thật ra không thay đổi bản chất rằng chúng đều là các dự án kinh tế. Chúng ta không thể tiếp cận theo kiểu văn hóa là thứ vô hình, nên có thể tự sinh sôi nảy nở, đang hát quan họ ở đình làng thì bây giờ mình livestream lên mạng, cứ sáng tạo là sẽ có sản phẩm. Thực chất, để biến văn hóa thành tài sản và khai thác tài sản đó, cần một tư duy kinh doanh.

Chính phủ có rất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho các ngành cần được khuyến khích, đặc biệt là về ưu đãi vốn. Trong đó, ngành “công nghiệp văn hóa” cũng được nhắc đến trong các văn bản, đơn cử như Nghị định 31/2021 NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, mới được ban hành. Nhưng trong thực tiễn, các “ưu đãi” trên giấy tờ này có lấy được không? Và nếu lấy được thì doanh nghiệp có thực sự cần không (Ví dụ, dự án sáng tạo có cần bao nhiêu đất đâu mà miễn tiền thuê đất? Thuê ở đâu thì được miễn?). Nếu xác định văn hóa là trọng tâm, có lẽ những nhà đầu tư trong lĩnh vực này chờ đợi một bộ chính sách sát sao và tạo không khí hồ hởi hơn, với các ưu đãi riêng cho đầu tư văn hóa.

Vì nếu quy một triệu bài toán của cuộc đời thành một bài toán, thì thường nó là bài toán của đồng tiền.

Đức Hoàng

Một cuộc “kháng chiến” khác

Tuần đầu tiên của tháng 7/2023, một buổi sáng như mọi buổi sáng bình thường, tôi nhận được tin nhắn của vài người bạn đại ý “đã xem tin Google ẩn hình quốc kỳ Việt Nam trên đảo Trường Sa lớn hay chưa?”. Như thói quen, tôi mở trình duyệt lướt web trên điện thoại và tìm kiếm thông tin ấy bằng vài từ khóa nổi bật. Khá nhiều đường dẫn tới các bài báo xuất hiện. Thông tin đó là chính xác. Nhưng tôi chợt bần thần khi điểm lại các hành động của mình. Vì bức xúc từ thông tin về chuyện mà Google làm, tôi muốn xác thực thông tin đó và thứ công cụ để tôi kiếm tìm lại chính là Google. Đó là một nghịch lý thực sự.

Chắc chắn cũng sẽ nhiều người đã rơi vào khoảnh khắc nghịch lý đó giống tôi. Đơn giản, chúng ta chưa thể thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào những nền tảng, mà rộng hơn có thể là hệ sinh thái, đang làm chủ thế giới thông tin hôm nay. Với những người dùng sản phẩm của Apple, cái hệ sinh thái đó sẽ là iOS, là iMessage, là Facetime Video, là Apple Store, là iCloud và sự liên thông giữa các thiết bị cùng một chủ sở hữu, là Apple Music, là v.v và v.v. Tương tự là vô vàn các sản phẩm công nghệ khác mà với chúng ta là những vật dụng không thể thiếu hàng ngày. Tất cả chúng đều có một điểm chung duy nhất. Chúng là một sức mạnh mềm, một quyền lực mềm bao phủ toàn cầu.

Trong giới truyền thông quảng cáo, câu chuyện của những biển quảng cáo ngoài trời đã bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Cuộc chơi bây giờ là thế giới trên mạng và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hồ hởi lao vào cuộc chơi ấy suốt hơn 10 năm qua kể từ khi YouTube bắt đầu cho người sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền từ lượt xem. Họ hồ hởi vì nghĩ rằng có thể tạo ra một con đường mới mẻ hoàn toàn nếu so sánh với những gì mà ngành quảng cáo đã vận hành nhiều thập niên xưa cũ. Nhưng đa số những người chơi đều đã rơi rớt lại. Cái hồ hởi ban đầu đã được thay bằng thái độ chấp nhận thực tại. Họ không đặt ra luật chơi nên họ không thể chi phối cuộc chơi. Ngược lại, họ phải tuân theo cái luật chơi gắt gao mà Google đặt ra. Google đã tự biến mình thành một tổng đại lý quảng cáo toàn cầu và trong quá trình chống lại tổng đại lý mới mẻ đó, không ít ông lớn trong ngành truyền thông trên thế giới đã phải chấp nhận một trong hai lựa chọn: một là phá sản, hai là quy hàng. Đó chính là sức mạnh mềm.

Sức mạnh mềm (hay quyền lực mềm) là gì? Nói như cha đẻ của khái niệm này, giáo sư Joseph Nye (đại học Havard) sức mạnh mềm là “đạt được thứ mình muốn thông qua sức lôi cuốn thay vì cưỡng bức hoặc mua chuộc ai đó” và “nó khởi sinh từ sức hút về văn hóa, chính trị và chính sách của một quốc gia”. Chính cái sức mạnh mềm này đã khiến những chiến lược kiểu như “cây gậy và củ cà rốt” trở nên hủ lậu. Ngày nay, người ta không cần cây gậy (sự ép buộc thậm chí bằng cả vũ lực) hay củ cà rốt (sự mua chuộc) nữa. Và sức hút tạo nên sức mạnh mềm đó đang đến từ lĩnh vực văn hóa một cách đa dạng hơn nhờ vào cái gọi là “toàn cầu hóa”. Chỉ cần tạo ra tầm ảnh hưởng lớn lao bằng một hình tượng văn hóa đại chúng nào đó, hoặc một chuỗi thành công rực sáng như một khuôn mẫu cần học hỏi theo, người ta có thể thay đổi cả một cộng đồng lớn và dẫn dụ cộng đồng đó đi theo ý của mình. Nói không đâu xa, mạng xã hội ở Việt Nam mới đây nóng lên trào lưu “khoe khoang” có tên “Flex đến hơi thở cuối cùng” và chính cái trò khoe khoang (flexing) kia cũng là một minh chứng cho sự lệ thuộc tự nguyện vào một sức mạnh mềm. Nó tới từ hip-hop, từ rap, một biểu trưng văn hóa đại chúng đương đại Mỹ. Từ hip-hop, văn hóa đương đại Mỹ đã đi vào mọi ngóc ngách trên tinh cầu này và Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.

Khi một sức mạnh mềm đã đủ sức tạo nên ảnh hưởng sâu và rộng lên một cộng đồng khu biệt nào đó, chắc chắn nó sẽ được xem là công cụ truyền tải hữu hiệu nhất những thông điệp cả lộ liễu lẫn ngấm ngầm mà quốc gia nắm giữ sức mạnh này mong muốn phát tán. Sẽ không còn lạ lẫm gì nữa khi xuất hiện trong các bộ phim hành động bom tấn của Mỹ là những nhân vật phản diện có nguồn gốc quen thuộc. Bọn buôn ma túy ư: chúng phải đến từ châu Mỹ Latinh; những kẻ khủng bố thì sao: địa chỉ quen luôn là Trung Đông hoặc Đông Âu cũ… Trong những thứ mà chúng ta nghĩ là hoàn toàn giải trí đó đều ẩn chứa một thông điệp sẽ có tác dụng “mưa dầm thấm đất” đối với người xem. Đó chính là mọi nơi đều xấu xa cả, chỉ có phương Tây nói chung, và nước Mỹ nói riêng, mới là nơi của những con người thiện lành nhất, nhân bản nhất và hiểu giá trị tự do nhất.

Nhưng nước Mỹ không phải là kẻ độc tôn “độc cô cầu bại” trong cuộc xâm lấn tạo tầm ảnh hưởng bằng sức mạnh mềm. Tất cả các quốc gia hùng mạnh đều tham gia vào cuộc chơi ấy, một cuộc chơi mà chúng ta có thể coi như cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng. Ban đầu, trước sức mạnh quá lớn của văn hóa đương đại Mỹ, các quốc gia khác có thể khởi sự bằng việc tạo ảnh hưởng tới những quốc gia lân cận, đặc biệt là những dân tộc đồng văn với họ. Và sau một thời gian dài thuần thục các sách lược xâm lấn, chính những quốc gia ấy cũng đã có những bước tiến mà ngay cả người Mỹ cũng phải dè chừng. Điển hình là làn sóng Hàn Quốc, một làn sóng đã bắt đầu từ cuối thập niên 90. Chúng ta từng nghi ngại về nó khi phim ảnh Việt rồi cả âm nhạc Việt cũng có những nét “bắt chước” người Hàn. Giờ thì chính người Mỹ cũng còn phải ngại. Sách lược cụ thể với điện ảnh, phim truyền hình và K-Pop của Hàn Quốc đã tỏ ra rất hữu hiệu. Và khi Parasite được xướng tên ở Oscar 2020, chính ông Donald Trump đã phải thốt lên trong một lần diễn thuyết rằng “Những giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh năm nay tệ đến nhường nào? Chúng ta có thể khôi phục lại những thứ vĩ đại như “Cuốn theo chiều gió” hay không?”. Rõ ràng, niềm tự hào Mỹ đã bị tổn thương. Song, thành tựu của Parasite chỉ thực chất chỉ là muối xát thêm vào vết thương cũ của người Mỹ mà thôi. Trước đó, nhóm nhạc BTS của họ đã đứng đầu Bảng xếp hạng Billboard 200 với album “Love you self” hồi 2018 và lấp đầy khán giả ở sân vận động Rose Bowl (Mỹ) cũng như sân Wembley (Anh) năm 2019. Ở khía cạnh sức mạnh mềm trong văn hóa đại chúng, Hàn Quốc đang là một thế lực thực sự đáng gờm.

Trong tình thế đó, thực sự những quốc gia như Việt Nam sẽ phải chống chọi lại cách xâm thực không khói súng này như thế nào? Sự thờ ơ cho rằng văn hóa và giải trí chỉ là “vô thưởng vô phạt” sẽ là một sai lầm nghiêm trọng mà các thế hệ sau sẽ phải trả giá rất đắt. Trung Quốc, một cường quốc sức mạnh mềm khác, cũng đã phải trải qua những giai đoạn như thế với những bài học khá lớn. Cách Trung Quốc đạt được kết quả đến từ chính sự không thờ ơ của giới doanh nhân, những nhà giáo dục, các bậc phụ huynh chứ không chỉ trông chờ vào chính phủ. Đó cũng có thể là một tham khảo rất tốt đối với Việt Nam hiện nay khi chúng ta không chỉ phải đối chọi với sức mạnh từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc, văn hóa Mỹ và văn hóa phương Tây nói chung…

Cách đây chưa lâu, khi nói chuyện với một chủ tịch của một công ty đa phương tiện lớn, nghe ông ta tự hào về một chương trình “được khen lắm” và có thời gian dài chiếm ưu thế trên các nền tảng mạng xã hội, tôi có hỏi ông một câu mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Đó là “anh thấy đó là một nội dung có tỷ lệ chất Việt so với tỷ lệ chất Mỹ như thế nào?”. Thực tế, chính những chương trình giải trí phổ biến như kiểu đó lại đang là hiện thân lớn nhất của sự lệ thuộc văn hóa khi đã bị cuốn hút bởi sức mạnh mềm từ ngoại lai. Muốn chống lại cái sức hút đang cố đánh vào thế hệ trẻ của một quốc gia đông dân có dân số trẻ như Việt Nam, có lẽ chúng ta cần coi đấy như một cuộc “kháng chiến” khác thực sự.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, cả thế giới chỉ có khoảng 60 quốc gia, nhà nước. 100 năm sau, con số quốc gia đã là 195. Sau thế chiến thứ hai, toàn cầu có khoảng 16 đường biên giới được kiểm soát bởi quân đội mà thôi. Tính đến năm 2019, số đường biên được kiểm soát bởi quân đội đã lên tới 65. Điều đó cho thấy, trong xu hướng toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong cái lõi của hiện tượng này, các định tính, căn tính dân tộc luôn được xem là tài sản sống còn quý giá nhất. Chính thứ tài sản ấy, nếu được nâng niu, được bồi đắp, được rèn giũa, chúng sẽ trở thành vũ khí đắc lực trong cuộc “kháng chiến” trường kỳ chống lại sức mạnh mềm văn hóa xâm thực từ nhiều hướng dưới lá cờ toàn cầu và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các công cụ công nghệ thông tin hiện đại.

Khi nhận giải Oscar năm 2020 cho bộ phim “Parasite”, đạo diễn Bong Joon-Ho có phát biểu rằng: “Chúng tôi không viết những thứ đại diện cho quốc gia của chúng tôi. Nếu các bạn vượt qua rào cản là dòng phụ đề cao chỉ 1 inch, các bạn sẽ khám phá ra còn rất nhiều bộ phim kỳ diệu khác nữa”. Câu nói ấy sâu sắc vô cùng. Làn sóng Hàn Quốc không giương lá cờ vì một quốc gia. Làn sóng ấy giới thiệu một nền văn hóa đủ sức hút với thế giới và rõ ràng, nó đã thành công.

Chúng ta hòa nhập để bắt kịp mọi xu thế nhưng chúng ta không thể hòa tan để trở thành kẻ lệ thuộc. Vậy thì văn hóa mà chúng ta sẽ giới thiệu với bạn bè là gì? Tìm được nó, bảo tồn nó, đó cũng chính là một nền văn hóa để Việt Nam giữ mình.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/suc-manh-kho-luong-cua-quyen-luc-mem-i701797/