Sức mạnh kinh tế tập thể

Trong những năm qua, các hợp tác xã (HTX) đã phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện liên doanh, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Trong những năm qua, các hợp tác xã (HTX) đã phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện liên doanh, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Từ khi tham gia là thành viên hợp tác xã Liên Khương (xã Vĩnh Tiến - Kim Bôi), anh Bùi Văn Tùng được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên có thu nhập ổn định.

Từ khi tham gia là thành viên hợp tác xã Liên Khương (xã Vĩnh Tiến - Kim Bôi), anh Bùi Văn Tùng được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên có thu nhập ổn định.

Trên một số lĩnh vực, các HTX đã mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên và người lao động. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua các mô hình HTX, liên minh HTX đã hình thành các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Điều này giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế, thiếu sót mà mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ gặp phải, qua đó góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn theo tinh thần của Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Sau khi được vận động, chị Bùi Thị Minh Thư, xóm Nưa, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) tham gia HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập. Chị Thư cho biết: Trước đây gia đình tôi chủ yếu đi làm thuê, ruộng cấy chỉ đủ ăn. Tham gia vào HTX, tôi được tập huấn kỹ thuật trồng rau màu. Thiếu vốn được vay vốn, thiếu phân bón HTX cho ứng. Tôi đã mạnh dạn chuyển đất cấy lúa sang trồng rau màu. Sản phẩm làm ra được liên kết tiêu thụ nên rất thuận lợi. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật mà năng suất cây trồng ngày càng tăng. Giờ cả gia đình không phải đi làm thuê và cuộc sống đủ đầy hơn.

Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập cho biết: Khi nhiều người tham gia HTX chúng tôi có lượng hàng lớn hơn, dễ cung ứng cho đối tác lớn thường xuyên, không bị gián đoạn. Để bà con yên tâm sản xuất, chúng tôi có nhiều phương án như đầu tư sản xuất chuyên sâu tạo ra sản phẩm sau thu hoạch. Điển hình là sản phẩm xà phòng mướp đắng, xà phòng bí xanh, trà túi lọc bí đao, bông tăm xơ mướp, xà phòng than tre… từ các nông sản của HTX.

Sau khi đi làm tại Công ty Fivevet ở huyện Lạc Thủy, anh Bùi Văn Tùng, xóm Vãng, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) quyết định về nhà lập nghiệp. Anh tham gia là thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Liên Khương, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Anh Tùng cho biết: Vào HTX tôi được hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm ổn định, giá đầu vào giống, thức ăn chăn nuôi hạ do HTX nhập số lượng lớn… Việc tiêu thụ thuận lợi không để gà tồn, lợi nhuận cao nên tôi yên tâm chăn nuôi. Tham gia HTX là hướng đi hiệu quả, không chỉ tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các thành viên mà còn liên kết với các hộ nuôi gà, giải quyết được vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Anh Bùi Văn Khương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Liên Khương cho biết: HTX chủ yếu đầu tư lĩnh vực chăn nuôi gà, lợn với 11 thành viên. Khi tham gia HTX, mỗi thành viên phải nuôi từ 1.000 con gà trở lên. Có thành viên nuôi 4.000 - 6.000 con. Các thành viên tích cực giúp đỡ, hỗ trợ nhau nên hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Để đảm bảo đầu ra ổn định, HTX ký kết hợp đồng bao tiêu với các công ty kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội theo giá thị trường. Các thành viên được mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá thấp nhất do không phải thông qua trung gian, chất lượng con giống cũng được đảm bảo. Có những doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng thức ăn chăn nuôi cho HTX và chấp nhận thanh toán khi các thành viên bán được sản phẩm.

Trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh. Đến nay, tỉnh có 549 HTX, 4 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút gần 18.000 thành viên. Doanh thu 1 HTX đạt gần 1,4 tỷ đồng. Các HTX cơ bản hoạt động ổn định, giúp các địa phương thực hiện tốt giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật mới, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có quy mô. Hiện, toàn tỉnh có 66 sản phẩm của 57 HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, 32% HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Các HTX đem lại nhiều lợi ích thông qua các dịch vụ cho cộng đồng thành viên và đời sống kinh tế nông thôn, trực tiếp góp phần vào tăng năng suất, sản lượng và nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng đối với đảm bảo an sinh xã hội.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192819/suc-manh-kinh-te-tap-the.htm