Sức mạnh lòng dân nơi biên giới Kon Tum

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây cũng là địa phương có đường biên giới dài gần 293km, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, với điểm nhấn là ngã ba Đông Dương - nơi có cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Việt Nam) và Phu Cưa (Lào), là tuyến giao thông quan trọng bậc nhất trong vùng Tam giác phát triển. Nói một cách nôm na, nếu có đường cao tốc thì trong một ngày, du khách có thể đặt chân đến ba quốc gia: Thái Lan, Lào và Việt Nam. Với vị trí đắc địa như vậy, tỉnh Kon Tum có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Đại tá Lê Quốc Việt, Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum trao tặng bò giống cho người nghèo nơi biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Đại tá Lê Quốc Việt, Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum trao tặng bò giống cho người nghèo nơi biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Xây chắc thế trận lòng dân để phát triển

Với 13 xã biên giới, dân số hơn 65 nghìn người, đến từ 24 dân tộc anh em, sinh sống đan xen trên 99 thôn, làng, có thể nói, địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum vừa rộng lớn, vừa đa dạng sắc màu văn hóa.

Trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, thực lực chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Tính đến nay, đã có 7/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hầu hết các xã biên giới của tỉnh Kon Tum đều có xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí và điều kiện dân sinh vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các khu vực khác; nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, những thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, tác động lớn đến nhịp phát triển trên địa bàn biên giới Bắc Tây Nguyên. Đây chính là “chướng ngại vật” lớn trong xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

“Có thực mới vực được đạo”, để xây chắc thế trận lòng dân, trước hết phải chăm lo tốt đời sống của các chủ thể chính trên biên giới. Trong 10 năm qua, bên cạnh sự đầu tư thường xuyên và căn cơ của Đảng, Nhà nước, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là các chủ nhân biên giới. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân đã hướng đến người nghèo bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Chỉ riêng việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới giai đoạn 2015-2025, tỉnh Kon Tum đã huy động nguồn kinh phí hơn 35 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh, tạo sinh kế cho người nghèo. Trong đó, lực lượng BĐBP tỉnh đã trực tiếp vận động, hỗ trợ xây dựng 146 căn nhà, 13 công trình nước sinh hoạt, tổng trị giá gần 11 tỷ đồng. Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ trẻ mồ côi, người khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng, tặng 32 mô hình sinh kế, 25 "Mái ấm tình thương", tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc y tế... Ban Dân tộc tỉnh đầu tư xây dựng trên 155 công trình giao thông, thủy lợi, lớp học, nhà văn hóa, điện nước sinh hoạt và hỗ trợ hơn 22.000 con giống gia súc, gia cầm; 1,3 tấn lúa, ngô giống; 1.323 cây ăn quả các loại.

Cùng với việc triển khai sâu rộng, hiệu quả các chuỗi hoạt động công tác dân vận đã góp phần bồi đắp niềm tin, thắt chặt tình đoàn kết, xây chắc thế trận lòng dân trên biên giới. Trong 10 năm qua, đã có gần 500 lượt tập thể, 2.576 lượt hộ gia đình và cá nhân thuộc 13 xã biên giới tỉnh Kon Tum tự nguyện tham gia tự quản đường biên, cột mốc; hơn 7.500 lượt hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản an ninh trật tự ở thôn, làng.

Ứng phó thách thức về an ninh

Biên giới hội nhập và phát triển, giao lưu thương mại với các quốc gia trong khu vực tại ngã ba Đông Dương diễn ra thuận lợi cũng chính là yếu tố tạo nên những thách thức lớn về an ninh. Việc xây chắc thế trận lòng dân không chỉ để phát triển, mà còn nhằm ứng phó linh hoạt với mọi nguy cơ cả về an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống.

Cán bộ BĐBP Kon Tum và các đồng nghiệp nước bạn Lào trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh trên cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ BĐBP Kon Tum và các đồng nghiệp nước bạn Lào trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh trên cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong 10 năm qua, riêng BĐBP Kon Tum đã tiếp nhận 2.907 nguồn tin do quần chúng cung cấp, trong đó, 685 tin có giá trị, tạo cơ sở xây dựng các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ và các đợt ra quân cao điểm đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới. Bên cạnh việc xử lý, giải quyết kịp thời các vụ vi phạm quy chế biên giới, vi phạm lâm luật, sử dụng hộ chiếu giả, xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán và vận chuyển hàng lậu, hàng cấm..., BĐBP Kon Tum còn lập nhiều chiến công xuất sắc trong đấu tranh chống tội phạm ma túy, triệt phá hàng chục vụ án lớn, thu giữ 72 bánh heroin, 13kg ma túy đá, 226.416 viên ma túy tổng hợp. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP tỉnh đã trực tiếp vận động thu hồi gần 500 khẩu súng các loại bị tàng trữ, sử dụng trái phép trong dân; phát hiện, bắt giữ 9 đối tượng trốn lệnh truy nã; tuyên truyền, vận động 270 lượt người di cư tự do, cư trú trái phép trong khu vực biên giới rời khỏi địa bàn.

Trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, quân và dân vùng biên giới cực Bắc Tây Nguyên thực sự là những pháo đài kiên cố, những thành trì vững chắc trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 là một minh chứng điển hình. Với vai trò là lực lượng chủ công trên địa bàn biên giới, BĐBP và nhân dân đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tổ chức phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với tinh thần "thần tốc, quyết liệt, đồng bộ"; kịp thời truy vết, dập dịch, kiểm soát và tổ chức cách ly tập trung theo quy định. Trên đường biên, cột mốc có 76 điểm chốt, với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm “đầu đội trời, chân đạp đất”, kiên gan chặn dịch, kiểm soát chặt chẽ mọi đường mòn, lối mở, cửa khẩu, không để xảy ra bất kỳ trường hợp lây lan dịch bệnh nào qua biên giới.

Việc ứng phó với các tình huống thiên tai cũng được triển khai linh hoạt, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân. Điều này không chỉ được thể hiện rõ nét tại địa bàn biên giới, mà còn lan tỏa sang đất bạn, khẳng định sức mạnh tình đoàn kết và nét đẹp truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Trong vụ vỡ đập thủy điện năm 2018 xảy ra tại Lào, BĐBP Kon Tum đã cơ động nhanh, ứng cứu kịp thời, xử lý các tình huống y tế khẩn cấp cho người dân tại các khu vực bị ngập lụt nặng, kết hợp dọn dẹp vệ sinh phòng học, trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hàng trăm hộ gia đình ổn định lại cuộc sống.

Có thể khẳng định, việc xây chắc thế trận lòng dân không chỉ tập trung nguồn lực và ý chí để phát triển, mà còn là nền tảng quan trọng để ứng phó linh hoạt với những thách thức an ninh, tạo tiền đề xây dựng vùng ngã ba biên giới - “trái tim” của Đông Dương ngày càng ổn định và phát triển.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-manh-long-dan-noi-bien-gioi-kon-tum-post490368.html