Sức mạnh máy bay 'Thần Sấm' diệt hàng nghìn chiến xa của Iraq
Dù được thiết kế từ thập niên 1970, nhưng máy bay cường kích A-10 hiện vẫn nắm vai trò quan trọng trong việc yểm trợ cận chiến từ trên không cho quân đội Mỹ.
A-10 “Thần sấm II”, hay còn có biệt danh khác là “Lợn Bướu”, là cường kích chi viện hỏa lực ở cự ly gần được chế tạo theo yêu cầu của Không quân Mỹ vào những năm 1970 về một loại máy bay phải có trọng tải vũ khí lớn, buồng lái được bọc thép để bảo vệ phi công, cũng như có khả năng bay chậm và thấp để khi tấn công mục tiêu dưới mặt đất đạt độ chính xác cao.
Theo thông số ghi trên trang Military Today, A-10 có chiều dài 16,26m; chiều rộng sải cánh 17,53m; chiều cao 4,47m. Trọng lượng rỗng của A-10 là 11,3 tấn, còn trọng lượng cất cánh tối đa là 22,7 tấn. Khối lượng nhiên liệu tối đa A-10 có thể mang khi chiến đấu lên tới gần 5 tấn.
Máy bay được trang bị 2 động cơ turbine phản lực cánh quạt TF34-GE-100A do hãng General Electric sản xuất, với lực đẩy đạt 40,32 KiloNewton/chiếc. Vận tốc hành trình và vận tốc tối đa của A-10 lần lượt đạt 560 km/h và 706 km/h. Phạm vi chiến đấu của nó đạt 400km, trong trường hợp được nạp đầy đủ nhiên liệu và vũ khí.
Trang Airforce Technology cho biết, hệ thống điện tử được lắp đặt trong buồng lái của A-10 gồm có màn hình hiển thị để xác định mục tiêu đối phương trên mặt đất, hệ thống liên lạc vô tuyến Have Quick và hệ thống định vị hàng không chiến thuật (TACAN). Ngoài ra, buồng lái của A-10 còn được trang bị một lớp giáp bằng titanium dày từ 12,7mm đến 38,1mm với tổng trọng lượng lên đến 408kg, đủ khả năng chống lại đạn cỡ 23mm từ pháo phòng không đối phương.
Hệ thống vũ khí của A-10 rất đa đạng gồm 1 pháo 30mm GAU-8 Avenger được lắp dưới mũi máy bay; 11 ray treo (8 chiếc dưới hai bên cánh và 3 chiếc dưới bụng máy bay) có thể vác theo 7,2 tấn vũ khí gồm các loại bom Mark 82; bom cháy Mark 77; bom chùm BL-755; bom điều khiển bằng laser GBU-10 cho đến tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.
Theo số liệu thống kê được trang Airforce Mag đăng tải hồi tháng 8/1993, các máy bay A-10 của Không quân Mỹ trong cuộc chiến tại Vùng Vịnh hồi đầu năm 1991 đã tiêu diệt 987 xe tăng, 926 pháo, 1.355 xe chiến đấu các loại, 10 tiêm kích trên mặt đất và 2 trực thăng thuộc biên chế quân đội Iraq. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Iraq chỉ bắn hạ được 5 chiếc A-10.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, Mỹ từng triển khai một phi đội A-10 tới sân bay quân sự Bagram, để hỗ trợ lực lượng quân đội Chính phủ Kabul chống lại các tay súng Taliban và tổ chức khủng bố al-Qaeda lẩn trốn ở khu vực xung quanh căn cứ này.