Sức mạnh nội sinh để Ninh Bình phát triển bền vững

Tinh thần 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi' được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946) đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Để văn hóa thực sự là động lực cho sự phát triển, ngày 26/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXI) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Lớp truyền dạy nhạc cụ hát xẩm tại huyện Yên Mô. Ảnh: Minh Quang

Lớp truyền dạy nhạc cụ hát xẩm tại huyện Yên Mô. Ảnh: Minh Quang

Nghị quyết 10 được ban hành và nhanh chóng đi vào đời sống, qua thời gian triển khai thực hiện đã đáp ứng được mục tiêu bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuẩn mực đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và vùng đất Cố đô Hoa Lư. Nổi bật trong đó là mục tiêu xây dựng văn hóa, con người thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, văn minh, hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ đã phát huy hiệu quả; là minh chứng rõ nét khẳng định tỉnh Ninh Bình đã và đang nghiêm túc thực hiện tôn chỉ "văn hóa là sức mạnh mềm quan trọng" cho sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hàng nghìn năm lịch sử đã khẳng định Ninh Bình là mảnh đất linh thiêng, đầy huyền tích, huyền sử với bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm - nơi xưa kia là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam - nơi có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên.

Cùng với thời gian, sự phát triển của xã hội loài người đã bồi tụ, tích lũy cho vùng đất Ninh Bình nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng, được phát triển và lan tỏa đến ngày nay. Nổi bật trong đó là một khối lượng lớn các di sản văn hóa, với gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay.

Nhìn lại sự phát triển của văn hóa Ninh Bình trong thời gian qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây cho thấy, những quan điểm kiên định về phát triển văn hóa của Đảng, trong đó có việc xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị đã được chăm lo, là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với việc thực hiện đồng bộ các nội dung xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị đã góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở tận tụy phục vụ nhân dân, nêu gương tốt về đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ và ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh với cái xấu, tiêu cực... Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Việc xây dựng môi trường văn hóa văn minh, hiện đại, giàu bản sắc được mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức và gia đình nỗ lực, đoàn kết, đóng góp xây dựng, trở thành môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách và lối sống. Hiện nay, đi khắp các miền quê trong tỉnh có thể cảm nhận được hơi thở cuộc sống tươi vui, phấn khởi trong nhân dân bởi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, hình thành môi trường lành mạnh cho sự phát triển của con người, nhất là thế hệ trẻ.

Toàn tỉnh có tới trên 89% xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa NTM; 54% phường, thị trấn đạt danh hiệu chuẩn văn minh đô thị; số hộ gia đình, số làng bản, thôn xóm phố được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa đạt trên 90%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn quy định trên 99%; gần 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa...

Những giá trị lịch sử, văn hóa đã trở thành thế mạnh để Ninh Bình phát triển hiệu quả tiềm năng du lịch - được xác định là ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Nhiều CLB văn hóa nghệ thuật truyền thống với hàng trăm hội viên hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ trong nhân dân giữa dòng chảy đương đại, từ đó khơi dậy, bồi đắp niềm tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng nền văn hóa, con người mới tiên tiến, đậm đà bản sắc trên vùng đất Cố đô.

Theo đó, du lịch lịch sử, văn hóa đã và đang trở thành thương hiệu của Ninh Bình, với những làn điệu xẩm, chèo, ca trù da diết, sâu lắng, những trò chơi dân gian vùng biển, miền núi trong những dịp Tết đến Xuân về, mùa lễ hội, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế bởi bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo. Phát triển du lịch đã mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 15 nghìn lao động địa phương.

Xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh tế cũng được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia. Trong đó, nét riêng của con người Ninh Bình là sự tài hoa và không ngừng sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều giá trị truyền thống của cha ông. Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh, tạo dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường, như nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải, nghề mộc Ninh Phong, gốm Bồ Bát…

Một số sản phẩm làng nghề ghi dấu ấn và được xuất khẩu đến với nhiều quốc gia, được khách hàng ưa chuộng, đặt hàng, mang theo khát vọng của người Cố đô về tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá đến bạn bè quốc tế. Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất và đưa sản phẩm tham gia tại các hội chợ, triển lãm hàng hóa nhằm quảng bá tới du khách trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, khi làn sóng dịch COVID lần thứ 4 bùng phát, thêm một lần nữa sức mạnh nội sinh là lòng yêu nước, nghĩa đồng bào của người dân Ninh Bình càng thêm ngời sáng và phát huy hơn bao giờ hết. Vượt lên những nguy hiểm, gian khó, thậm chí chấp nhận đối mặt với cả sự hy sinh, dù là lực lượng tuyến đầu hay nơi hậu phương đều lạc quan, tin tưởng, đồng lòng cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh. Những nhân viên y tế gửi lại cha mẹ già, con thơ cho người thân, xung phong lên đường vào vùng tâm dịch phía Nam; những suất cơm nóng hổi, những món quà được chuẩn bị bằng tấm lòng, tình yêu thương của người dân Ninh Bình dành cho đồng bào gặp khó khăn do dịch bệnh, tìm về quê hương... Đây chính là nét đẹp văn hóa, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, được người dân Ninh Bình gìn giữ, phát huy và thể hiện bằng chính những điều giản dị ấy.

Tiếp tục quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững; việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình được xác định vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của quê hương; quan tâm đầu tư, giáo dục, rèn luyện, xây dựng và hình thành nên một thế hệ con người mới văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Đó chính là nguồn lực nội sinh, tiếp thêm sức mạnh để Ninh Bình hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương phát triển bền vững, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp trong xã hội.

Mỹ Hạnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/suc-manh-noi-sinh-de-ninh-binh-phat-trien-ben-vung/d2021123115094913.htm