Theo EurAsian Times, vào rạng sáng ngày 27/12, lực lượng Houthi từ Yemen đã phát động một loạt các cuộc tấn công bằng vũ khí chống hạm mới về phía cực nam của Biển Đỏ.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các máy bay F/A-18 Super Hornets của Nhóm tấn công tàu sân bay Eisenhower và tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Laboon (DDG-58) đã bắn hạ 02 tên lửa hành trình tấn công mặt đất, 03 tên lửa đạn đạo chống hạm và 12 UAV cảm tử.
Vụ tấn công vừa rồi cho thấy sự leo thang căng thẳng trên khu vực và cũng là lần đầu tiên Hải quân Mỹ bắn hạ một tên lửa đạn đạo đang bay tới bằng tên lửa đạn đạo chống hạm. Đây cũng là lần đầu chiến đấu cơ Super Hornets tham chiến và đánh chặn được mục tiêu.
Tàu USS Dwight D. Eisenhower hiện đang neo đậu ở Vịnh Aden, do đó việc sử dụng máy bay Super Hornets để phòng không không phải là điều đáng ngạc nhiên. Super Hornets được đánh giá là loại máy bay chiến đấu thích hợp để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
F/A-18E/F Super Hornet là loại máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, được bắt đầu hoạt động trong biên chế các đơn vị của Hải quân Mỹ vào năm 1999. Hiện nay loại máy bay này cũng được Không quân Hoàng gia Australia sử dụng. Super Hornet bao gồm 2 phiên bản là F/A-18E một chỗ và F/A-18F hai chỗ.
Super Hornet là một phiên bản có kích thước lớn và hiện đại hơn được phát triển từ F/A-18C/D Hornet. Super Hornet được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, bay lần đầu tiên vào tháng 11/1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999.
Chiều dài của máy bay là 18,31 m. Sải cánh 13,62 m. Chiều cao 4,88 m. Diện tích 46 m². Trọng lượng rỗng 13.864 kg. Trọng lượng cất cánh 22.951 kg. Trọng lượng cất cánh tối đa 29.937 kg. Máy bay sử dụng 2 động cơ phản lực General Electric F414-GE-400.
Khả năng mang nhiên liệu bên trong của F-18E là 6.530 kg, F-18F là 6.145 kg. Khả năng mang nhiên liệu bên ngoài 5 thùng 480 ga-lông, tổng cộng 7.430 kg.
Vận tốc cực đại của máy bay là Mach 1.6 (1,915 km/h). Tầm bay 2346 km với 2 tên lửa AIM-9 Sidewinder. Tầm bay tuần tiễu 3.054 km cùng với 3 thùng nhiên liệu phụ 480 galon, 2 tên lửa AIM-9. Bán kính chiến đấu 758 km. Trần bay trên 15.240 m.
Tải trọng vũ khí tối đa của máy bay là 8,05 tấn, còn tải trọng chiến đấu thì thấp hơn, vào khoảng 6,5 tấn vũ khí. Tải trọng chiến đấu là lượng vũ khí tối đa mà máy bay có thể mang theo mà vẫn có thể tác chiến hiệu quả, còn tải trọng tối đa là lượng vũ khí lớn nhất mà máy bay có thể mang theo khi cất cánh.
Nếu cất cánh từ tàu sân bay với đường băng dài 330 m thì tải trọng vũ khí tối đa giảm xuống còn 4.491 kg với F/A-18E, 4.082 kg với F/A-18F (nếu mang nặng hơn thì đường băng không đủ dài để cất cánh).
Vũ khí chính của máy bay gồm một pháo nòng xoay 20mm M61A1/A2 Vulcan, 412 viên. Giá treo vũ khí gồm 11 mấu cứng với khả năng mang tới 8.050 kg vũ khí như tên lửa không đối không, không đối đất, chống bức xạ, chống hạm và các loại bom từ bom thường đến bom thông minh.
Điểm đáng chú ý là máy bay được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) tiên tiến nhất thế giới AN/APG-79. Radar này giúp máy bay xác định, giám sát và hỗ trợ tấn công các mục tiêu nhỏ, bay thấp như máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Ngoài ra, Super Hornet của Hải quân Mỹ còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) tiên tiến, hệ thống này đã được triển khai với số lượng hạn chế ở Trung Đông. Với sự góp mặt của những chiếc Super Hornet, đã góp phần hạn chế các cuộc tấn công của Houthi.
Super Hornet được đánh giá cao hơn các hệ thống tên lửa trên các tàu chiến, bởi nó có thể bay xa ra các khu vực xung quanh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa đang lao tới.
Lực lượng Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công trong khu vực đồng thời kêu gọi Israel ngừng ném bom Dải Gaza. Tuy nhiên, chiến dịch ném bom cùng với các hoạt động trên bộ của Israel vẫn không có dấu hiệu dừng lại, điều này đã khiến nhóm Houthi tấn công các phương tiện di chuyển qua Biển Đỏ.
Những cuộc tấn công này đã trở thành nguyên nhân gây lo ngại vì chúng đe dọa thương mại toàn cầu và có nguy cơ làm tăng giá xăng dầu, gây ra lạm phát quy mô lớn.
Lê Quang